Viêm amidan quá phát là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị

Ngày cập nhật: 25/03/2024 Biên tập viên: Thu Hà
4.5/5 - (12 bình chọn)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TTUT,BS CKI Doãn Hồng Phương

Viêm amidan quá phát là một căn bệnh hô hấp, thường gặp nhất là ở trẻ em. Bệnh gây đau đớn, vướng víu ở cổ họng. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dễ gây ra nhiều biến chứng khác. Hãy cùng tìm hiểu ngay về loại bệnh này với những nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị chi tiế

Viêm amidan quá phát là một bệnh đường hô hấp có nhiều biến chứng
Viêm amidan quá phát là một bệnh đường hô hấp có nhiều biến chứng

Viêm amidan quá phát là gì? Có nguy hiểm không?

Viêm amidan quá phát là tình trạng amidan bị viêm tái lại nhiều lần khiến cho amidan sưng to hơn nhiều lần so với trạng thái bình thường. Hiện tượng viêm có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên amidan.

Diễn biến bệnh được chia thành 4 cấp độ từ nhẹ đến nặng như sau:

  • Viêm amidan quá phát độ 1: Đặc trưng ở cấp độ này là amidan to tròn với phần cuống gọn. Chiều ngang của amidan bị sưng khá nhỏ, chỉ khoảng bằng ¼ so với khoảng cách chân trụ trước của amidan.
  • Viêm amidan quá phát độ 2: Ở cấp độ này hình dáng của amidan cũng giống với cấp độ 1. Tuy nhiên, chiều ngang của amidan bị sưng đã to hơn, khoảng bằng ⅓ khoảng cách chân trụ trước.
  • Viêm amidan quá phát độ 3: Đến cấp độ này, tình trạng viêm nhiễm đã bị nặng hơn gây ra sự vướng víu, đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Chiều ngang của amidan lúc này chiếm bằng ½ khoảng cách chân trụ trước.
  • Viêm amidan quá phát độ 4: Cấp độ này còn có tên gọi khác là thể xơ chìm. Tiến độ bệnh đã phát triển rất nặng và chiếm phần đông ở người lớn. Ở giai đoạn này, các vết viêm đã gồ lên trên bề mặt, màu đỏ sẫm, trụ sau amidan đã dày hơn. Người bệnh lúc này sẽ cảm thấy rất khó chịu và vướng víu.
Viêm amidan quá phát
Viêm amidan quá phát

Viêm amidan quá phát được coi là một bệnh lý đường hô hấp rất nguy hiểm. Bởi khi mắc bệnh này, nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ rất dễ đến các biến chứng như:

  • Viêm tấy quanh amidan lặp đi lặp lại nhiều lần: Biến chứng này xảy ra khi tình trạng viêm nhiễm không được điều trị kịp thời khiến ổ viêm loang rộng. Người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng khó nuốt, sưng đau, khó nói, đau đầu, sốt cao…
  • Viêm tai, viêm mũi, viêm xoang và viêm thanh quản: Tai, mũi, họng có mối liên quan lẫn nhau nên khi viêm amidan quá phát rất dễ bị biến chứng sang 2 bộ phận còn lại. Phổ biến nhất là tình trạng viêm tai giữa và viêm xoang.
  • Gây viêm tấy hạch hầu họng: Khi tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, toàn bộ vùng hầu họng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Viêm nhiễm lan rộng với mức độ nặng khiến cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu và đau đớn.
  • Biến chứng toàn thân: Nếu bệnh tình trở nặng sẽ gây ra biến chứng ở các bộ phận khác như viêm cầu thận, viêm khớp và nhiễm khuẩn máu. Biểu hiện với các triệu chứng như nhức đầu, sốt cao, nổi hạch, phát ban… Đây đều là những biến chứng rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân, triệu chứng của viêm amidan quá phát

Để có thể phòng ngừa bệnh và có hướng điều trị phù hợp nhất, cần nắm được các nguyên nhân, triệu chứng của bệnh viêm amidan quá phát.

Nguyên nhân

Là một bệnh lý đường hô hấp nên có rất nhiều nguyên nhân có thể gây nên bệnh viêm amidan quá phát như:

  • Sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus: Liên cầu khuẩn, Adenovirus, virus Parainfluenzae…
  • Do cấu tạo của amidan có nhiều hốc và khe rãnh nên dễ bị tích tụ thức ăn. Lâu dần sẽ sản sinh vi khuẩn gây nên tình trạng viêm nhiễm.
  • Thay đổi thời tiết thất thường khiến cơ thể không kịp thích nghi, lượng vi khuẩn xuất hiện cao khiến amidan bị viêm nhiễm.
  • Ảnh hưởng từ các loại bệnh hô hấp khác như cúm, ho gà, sởi…
  • Bị viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần cũng dẫn đến bệnh viêm amidan quá phát.
  • Cơ thể không được giữ ấm, bị nhiễm lạnh cũng là một nguyên nhân gây nên bệnh.
  • Còn có một số yếu tố khác như: môi trường khói bụi, miễn dịch kém, dinh dưỡng không cân bằng…

Triệu chứng

Về cơ bản, triệu chứng của bệnh viêm amidan quá phát cũng khá giống với các bệnh lý thông thường ở họng. Tùy vào từng đối tượng sẽ có những điểm đặc trưng riêng.

Bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau để nhận biết
Bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau để nhận biết

Ở người lớn sẽ có một số biểu hiện như:

  • Họng có cảm giác khó chịu, đau và thấy bị chèn ép, vướng víu.
  • Có sốt nhẹ vào tầm chiều và tối.
  • Thường bị ho kéo dài, chủ yếu là ho khan, chảy nước mũi màu trắng đục nhiều nhất vào buổi sáng khi thức dậy.
  • Giọng nói bị khàn và có cảm giác cổ họng đau rát.
  • Hơi thở có mùi, đây là một triệu chứng điển hình của bệnh viêm amidan quá phát.

Ở trẻ em, viêm amidan quá phát sẽ có một số triệu chứng điển hình như:

  • Trẻ phát âm khó khăn hơn, phát âm bằng giọng mũi.
  • Trẻ mệt mỏi, ăn chậm, khó nuốt và biếng ăn.
  • Ho khan kéo dài về đêm.
  • Hơi thở nặng mùi.

Các triệu chứng của viêm amidan quá phát khá giống với viêm amidan và các bệnh lý thông thường khác. Chính vì thế, nhiều người đã bỏ qua các triệu chứng này và không đi khám khiến cho tình hình bệnh trở nặng. Do vậy, hãy chú ý đi thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bệnh như trên để có thể phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Chẩn đoán và cách chữa viêm amidan quá phát hiệu quả

Việc chẩn đoán và đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp với bệnh nhân viêm amidan quá phát phải bắt buộc từ phía bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn về tai mũi họng.

Hình thức chẩn đoán

Trước khi đưa ra kết luận chính thức về tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được thăm khám chi tiết với các bước:

  • Thăm khám tại chỗ: Dựa trên các dấu hiệu của người bệnh như: đau họng, ho, sốt, khó nuốt, khó thở… Đồng thời, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vòm họng để đánh giá mức độ sưng viêm của amidan.
  • Xác định chỉ số bạch cầu: Sau khi tiến hành các bước thăm khám đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra chỉ số bạch cầu bằng hình thức xét nghiệm máu. Đây cũng là một bước quan trọng để đánh giá mức độ viêm nhiễm nên người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn, tránh làm kết quả bị sai lệch.
  • Nội soi tai mũi họng: Việc nội soi tai, mũi, họng sẽ đưa ra được những hình ảnh chi tiết nhất về từng bộ phận. Qua đó, bác sĩ sẽ thấy được tình trạng viêm nhiễm amidan ở mức độ nào, đã lan ra họng và mũi chưa.
  • Kết luận: Sau khi thực hiện đầy đủ các bước thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng bệnh cho bệnh nhân. Từ đó cũng sẽ có được phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.
Chẩn đoán bệnh theo các bước mà bác sĩ yêu cầu
Chẩn đoán bệnh theo các bước mà bác sĩ yêu cầu

Thông tin thêm:

Điều trị bằng tây y

Ưu điểm của phương pháp điều trị bằng tây y là hiệu quả nhanh. Chính vì thế, biện pháp điều trị bằng Tây y được rất nhiều bệnh nhân lựa chọn.

Uống thuốc

Ở cấp độ bệnh vừa và nhẹ, bệnh nhân thường sẽ tiến hành điều trị bằng thuốc. Cách thức điều trị chủ yếu là loại bỏ triệu chứng và giúp nâng cao thể trạng cho người bệnh. Chỉ trong một số trường hợp viêm nhiễm xảy ra do vi khuẩn, bác sĩ mới kê thuốc kháng sinh để chữa trị.

  • Thuốc làm giảm triệu chứng: Các loại thuốc ngậm được sử dụng để làm giảm đau họng, giảm ho. Thuốc giảm đau, hạ sốt sử dụng có tác dụng nhanh trong các trường hợp bệnh nhân bị đau đớn do viêm nhiễm, sốt cao. Nếu hạch bạch huyết sưng to, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thuốc chứa thành phần Ibuprofen hoặc Diclofenac.
  • Thuốc kháng sinh: Được sử dụng cho các trường hợp bị nhiễm khuẩn. Với bệnh viêm amidan quá phát, nhóm kháng sinh được dùng chủ yếu là penicilin. Khi dùng thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định từ 7 đến 10 ngày, ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm để đảm bảo ức chế nhiễm trùng hoàn toàn.

Dù có tác dụng rất nhanh trong việc chữa trị nhưng bệnh nhân cũng cần phải chú ý tới một số vấn đề khi sử dụng thuốc tây: Cần tuân theo chỉ định và liều lượng của bác sĩ. Không tự ý tăng hoặc giảm lượng thuốc bởi nó sẽ gây ra tác dụng phụ hoặc không hiệu quả trong việc chữa bệnh.

Uống thuốc Tây là một phương pháp điều trị hiệu quả, nhanh chóng
Uống thuốc Tây là một phương pháp điều trị hiệu quả, nhanh chóng

Cắt amidan

Trong những trường hợp dùng thuốc không có tác dụng, ổ viêm quá lớn gây ảnh hưởng đến việc hô hấp của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ amidan. Cụ thể, các trường hợp sẽ phải cắt amidan bao gồm:

  • Viêm amidan tái phát rất nhiều lần trong một năm.
  • Đã gây ra một số biến chứng cho phổi, tim, thận hoặc khớp…
  • Amidan phì đại quá mức gây ra tắc nghẽn nghiêm trọng tại đường thở.
  • Ảnh hưởng đến chức năng nhai, nuốt của người bệnh.

Trẻ em trên 4 tuổi là có thể điều trị bằng phương pháp cắt bỏ amidan. Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi với hệ miễn dịch chưa tốt không nên cắt amidan. Tuy nhiên, với một số trường hợp bệnh diễn biến trầm trọng, bác sĩ sẽ cho cắt bỏ amidan dù ở bất cứ độ tuổi nào.

Cắt amidan được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt
Cắt amidan được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt

Các phương pháp cắt amidan bao gồm:

  • Cắt bằng dao siêu âm

Phương pháp này dùng sóng siêu âm để loại bỏ ổ viêm. Cách phẫu thuật này có ưu điểm là ít gây tổn thương đến mô, không gây đau đớn nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian phẫu thuật lâu và các vết thương lâu lành.

  • Cắt amidan bằng Laser

Ưu điểm của cách cắt amidan bằng Laser là thời gian rất nhanh, chỉ từ 10 đến 20 phút. Khả năng cầm máu cũng nhanh hơn, người bệnh ít bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian bình phục lâu, đòi hỏi tay nghề cao từ bác sĩ để không gây ảnh hưởng đến các vị trí xung quanh.

  • Phẫu thuật amidan bằng dao Plasma

Dùng dao điện tần với nhiệt độ từ 60 – 80 độ C để cắt bỏ amidan cũng là một phương pháp bác sĩ áp dụng. Ưu điểm của phương pháp này là vết cắt đẹp, thời gian phẫu thuật từ 40 đến 45 phút và nhanh bình phục.

  • Cắt amidan bằng máy Coblator

Cách phẫu thuật này dùng sóng cao tần với nhiệt độ 67 độ nên ít gây ra tổn thương, thời gian thực hiện khá nhanh. Đồng thời, cách cắt amidan này còn ít đau đớn, nhanh bình phục. Chính vì thế, chi phí phẫu thuật với máy Coblator cao nhất trong tất cả các phương pháp.

Phương pháp Đông y

Phương pháp chữa viêm amidan quá phát bằng Đông y tuy tác dụng chậm hơn nhưng lại đảm bảo an toàn, lành tính, không có tác dụng phụ.

Người bệnh có thể áp dụng 2 bài thuốc đơn giản sau:

Bài thuốc 1: Thanh yết lợi cách thang

Tác dụng của bài thuốc là tiêu viêm, giảm ho, hóa đờm, giải biểu nên sẽ có hiệu quả chữa trị viêm amidan quá phát.

Thành phần: Bạc hà, cát cánh, hoàng cầm, cam thảo, chi tử, đại hoàng, hoàng liên, kim ngân hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, phác tiêu, phòng phong, kinh giới.

Cách sử dụng:

  • Thảo dược được chuẩn bị, rửa sạch cho vào ấm cùng 3 bát nước.
  • Sắc thuốc trên lửa nhỏ đến khi còn 1 bát thì dừng lại, chắt ra bát để uống.
  • Kiên trì sử dụng hằng ngày để thấy hiệu quả nhất.
Phương pháp điều trị theo Đông y cũng rất hiệu quả
Viêm amidan quá phát điều trị theo Đông y cũng rất hiệu quả

Bài thuốc 2: Ích khí thanh kim thang

Tác dụng của các vị thuốc này là trị các bệnh lý liên quan đến phế nên có hiệu quả khi chữa trị amidan. Tuy nhiên, khi uống thuốc này, người bệnh cần tránh dùng chung với các món khác như lê lô, hải tảo, cam toại, nguyên hoa… Bởi các thành phần này kị nhau, dễ dẫn đến ngộ độc.

Nguyên liệu: Bạc hà, bạch phục linh ,trần bì mạch môn, bối mẫu, cam thảo, cát cánh, chi tử, hoàng cầm, ngưu bàng tử, nhân sâm, tô tử.

Cách sử dụng:

  • Sắc cùng 3 bát nước đun trên lửa nhỏ
  • Khi thuốc cạn còn tầm 1 bát thì dừng lại, lấy nước uống đều mỗi ngày.

Cách chữa viêm amidan quá phát tại nhà

Ngoài ra, còn có rất nhiều bài thuốc dân gian dùng để trị viêm amidan quá phát tại nhà. Các bệnh nhân cũng có thể áp dụng thử để chữa trị trong trường hợp mới chớm bệnh.

  • Dùng mật ong: Có thể uống trực tiếp 2, 3 thìa mật ong mỗi ngày. Pha mật ong uống cùng nước ấm hoặc hấp cùng với quả tắc cắt nhỏ.
  • Dùng giấm táo: Giấm táo chứa axit lactic nên có khả năng chữa lành nhiễm trùng amidan. Có thể pha loãng giấm táo cùng nước ấm và mật ong để uống nhiều lần trong ngày.
  • Sử dụng trà thảo dược: Trà thảo mộc có tác dụng làm giảm kích ứng ở cổ họng, kháng viêm, tiêu đờm rất tốt. Do vậy, người bị viêm amidan quá phát có thể sử dụng trà để hỗ trợ điều trị bệnh. Các loại trà tốt nhất cho người bị bệnh hô hấp bao gồm: trà gừng, trà hoa cúc, trà cam thảo, trà bạc hà, trà xanh…
  • Dùng nghệ: Nghệ tươi có chứa hoạt chất curcumin, với tác dụng là kháng khuẩn, kháng viêm. Người bệnh có thể áp dụng một số cách đơn giản như: pha nghệ cùng muối và nước ấm để súc miệng khi ngủ dậy, giã nghệ tươi hấp cùng mật ong và uống trực tiếp.
Ứng dụng những bài thuốc dân gian để chữa bệnh tại nhà
Ứng dụng những bài thuốc dân gian để chữa bệnh tại nhà

Cách phòng tránh bệnh viêm amidan quá phát

Với rất nhiều biến chứng nguy hiểm, việc phòng ngừa viêm amidan quá phát có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, phải làm thế nào để ngăn ngừa căn bệnh này lại là điều băn khoăn của rất nhiều người.

Trên thực tế, việc phòng tránh bệnh viêm amidan quá phát khá đơn giản với một số cách sau:

  • Luôn giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng và ngực. Việc nhiễm lạnh cơ thể sẽ là điều kiện tốt cho vi khuẩn, virus xâm nhập gây nên bệnh viêm amidan.
  • Vệ sinh răng, miệng, họng thường xuyên và đúng cách. Cần kết hợp giữa việc đánh răng đều 2 lần mỗi ngày cùng với súc miệng nước muối 3 lần/ngày.
  • Nâng cao đề kháng cho cơ thể bằng cách duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, tập thể dục thể thao thường xuyên
  • Ăn nhiều các thực phẩm chứa chất xơ và vitamin để giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể.
  • Hạn chế ăn đồ lạnh, thực phẩm đóng hộp…
  • Duy trì thói quen ăn nhạt, ít gia vị để không gây ảnh hưởng đến cổ họng.
  • Vệ sinh sạch sẽ nhà ở, nơi làm việc để tránh hít phải các loại bụi bẩn… Hạn chế đến những khu vực bị ô nhiễm, nhiều khói bụi…
  • Cần điều trị dứt điểm khi bị viêm amidan để không gây nên tình trạng nhiễm trùng quá phát.
  • Thăm khám và điều trị sớm ngay khi có bất cứ dấu hiệu liên quan.

Trong bài viết trên đây đã chia sẻ toàn bộ những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị bệnh viêm amidan quá phát. Hi vọng những kiến thức này sẽ giúp ích được cho các bệnh nhân đang gặp phải căn bệnh này để có thể đưa ra những phương án điều trị phù hợp nhất.

Xem thêm:

Phương pháp chữa & điều trị

Bệnh lý liên quan

Câu hỏi thường gặp

TTUT,BS CKI Doãn Hồng Phương

Chức vụ: Cố vấn chuyên môn

Học hàm/ học vị: BS.CKI

Nơi công tác: Bệnh viện Châm cứu Trung Ương

Đăng ký tư vấn với chuyên gia