Ung thư đại tràng: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả

Ngày cập nhật: 11/04/2024 Biên tập viên: Thu Hà
4.7/5 - (7 bình chọn)

Ung thư đại tràng là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 5 chỉ sau ung thư gan, phổi, dạ dày và vú. Hơn nữa, căn bệnh này có tỷ lệ tử vong rất cao, đứng thứ 4 trong các loại ung thư. Vậy bệnh có chữa được không và làm sao để phòng ngừa? Những vấn đề này sẽ được giải thích chi tiết ngay dưới đây.

Ung thư đại tràng là gì?

Bệnh ung thư đại tràng còn được gọi là ung thư ruột non, là loại ung thư phổ biến tại Việt Nam cũng như toàn thế giới hiện nay. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của đại tràng: Đại tràng sigma, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng lên và manh tràng.

Tính nguy hiểm của ung thư đại tràng phụ thuộc vào thời gian phát hiện bệnh. Theo đó, bệnh có tiên lượng tốt khi được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, phát hiện càng muộn thì khả năng điều trị càng giảm. Cụ thể tỉ lệ sống trên 5 năm lên đến 90% khi phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, còn chỉ có khoảng 10% khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn có thể sống quá 5 năm.

Các giai đoạn phát triển cụ thể của ung thư đại tràng

Bệnh ung thư đại tràng được chia thành 4 giai đoạn cụ thể như sau:

Ung thư đại tràng ở giai đoạn 1 vẫn có thể chữa được
Ung thư đại tràng ở giai đoạn 1 vẫn có thể chữa được

Giai đoạn 1

Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh ung thư đại tràng, còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, chỉ giới hạn trong đại tràng. Ở giai đoạn này, tế bào ung thư mới xuất hiện ở niêm mạc và trong các lớp của đại tràng.

Giai đoạn 2

Khi bước vào giai đoạn 2 có nghĩa là các tế bào ung thư bắt đầu sẽ lây lan ra ngoài đại tràng và di căn tới các khu vực khác của đại tràng. Dựa vào việc tế bào ung thư đã đi được bao xa, giai đoạn này sẽ được phân thành 3 giai đoạn nhỏ:

  • Giai đoạn 2A: Ung thư phát triển xuyên qua lớp cơ vào lớp thanh mạc đại tràng. Các tế bào ung thư xuất hiện ở lớp ngoài cùng của đại tràng nhưng chưa lây lan sang các mô lân cận hoặc đến các hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn 2B: Các tế bào ung thư đã xâm lấn đến lớp phúc mạc, vượt qua lớp ngoài cùng của đại tràng để tiến tới bao quanh cơ quan ổ bụng. Tuy nhiên chưa phát triển đến các hạch bạch huyết hoặc những nơi khác.
  • Giai đoạn 2C: Khối u lan rộng qua các lớp của đại tràng, phát triển trực tiếp hoặc dính vào các cấu trúc lân cận.

Giai đoạn 3

Các tế bào ung thư bắt đầu lây lan sang những hạch bạch huyết lân cận. Tùy vào số lượng hạch bạch huyết bị ảnh hưởng, giai đoạn 3 sẽ được chia thành 3 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 3A: Những hạch bạch huyết gần với đại tràng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Cụ thể ung thư đã phát triển đến lớp dưới của niêm mạc hoặc lớp cơ của thành ruột, lan sang 1 – 3 hạch bạch huyết cũng như các mô gần hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 3B: Có từ 2 – 3 hạch bạch huyết bị ảnh hưởng.
  • Giai đoạn 3C: Có trên 4 hạch bạch huyết hoặc những hạch bạch huyết ở xa cũng bị ảnh hưởng.

Giai đoạn 4

Đây là giai đoạn cuối của bệnh ung thư đại tràng, lúc này tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trên cơ thể. Chia thành 2 giai đoạn nhỏ cụ thể sau đây:

  • Giai đoạn 4A: Ung thư xâm lấn đến tất cả các lớp của thành ruột và xâm lấn sang các hạch bạch huyết vùng. Đồng thời di căn đến những phần xa khác của cơ thể như gan hoặc phổi.
  • Giai đoạn 4B: Ung thư đã di căn xa hơn một phần của cơ thể. Đến giai đoạn này gần như mọi phương pháp điều trị đều không còn tác dụng.

Tìm hiểu những nguyên nhân chủ yếu gây ung thư đại tràng

Đây là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ người mắc ngày càng tăng cao. Vì vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh rất quan trọng để phòng ngừa và có phương pháp điều trị phù hợp hơn.

Nguyên nhân gây ung thư đại tràng rất đa dạng
Nguyên nhân gây ung thư đại tràng rất đa dạng

Cụ thể các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư đại tràng như sau:

  • Do bệnh sử polyp đại tràng: Hầu hết người bệnh ung thư đại tràng đều phát triển từ các polyp tuyến. Đây là cụm tế bào bất thường trong tuyến, hình thành và phát triển bởi các niêm mạc ở đại tràng. Thông thường các polyp không gây hại nhưng nếu bị biến thành ác tính thì lâu dần sẽ phát triển thành các khối u trong đại tràng. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ung thư đại tràng phổ biến nhất hiện nay.
  • Chế độ ăn uống: Đây là một trong những yếu tố gây ra ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển các khối u đại tràng. Nếu bạn thường xuyên ăn các thực phẩm giàu đạm, đồ nướng, hun khói hay các thực phẩm nhiều cholesterol, đồ đóng hộp,… trong một thời gian kéo dài thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra chế độ ăn uống không hợp lý rất dễ dẫn đến béo phì và gây ra bệnh.
  • Có tiền sử mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường ruột: Người mắc các bệnh như Crohn, viêm loét đại tràng thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Bởi vậy nếu mắc những bệnh lý trên bạn nên điều trị dứt điểm sớm, tránh để nó ảnh hưởng đến sức khỏe và dẫn đến bệnh ung thư đại tràng.
  • Yếu tố di truyền: Nếu bố mẹ bị ung thư đại tràng thì nguy cơ mắc bệnh của con cái sẽ cao gấp 2 – 3 lần. Bên cạnh đó, đối với những gia đình có tiền sử các thành viên bị polyp thì bạn nên thực hiện tầm soát ung thư sớm.
  • Yếu tố giới tính và tuổi tác: Mặc dù mọi độ tuổi đều có khả năng mắc bệnh, tuy nhiên ở những người ngoài 50 tuổi nguy cơ sẽ cao hơn. Đồng thời theo thống kê, nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn.
  • Tiền sử bệnh nhân: Nếu bạn từng bị ung thư vú, buồng trứng hay ung thư cổ tử cung thì cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại tràng.
  • Do thói quen hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia: Đây là 2 tác nhân hàng đầu gây nên các bệnh ung thư, đặc biệt là nguy cơ cao hình thành các khối u đường tiêu hóa, trong đó có đại tràng.
  • Lười vận động: Những người ít vận động thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường. Đặc biệt lười vận động cũng là một trong những nguyên nhân gây béo phì, thừa cân dễ dẫn đến hình thành bệnh tật. Hơn nữa, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên cũng giúp cơ thể bạn dẻo dai hơn và tăng sức đề kháng, giảm thiểu tỷ lệ ung thư đại tràng.

Cảnh báo các dấu hiệu bệnh ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng có triệu chứng khá đa dạng tùy vào từng giai đoạn bệnh. Thông thường sẽ là các biểu hiện phổ biến sau đây:

Người bệnh có thể gặp phải những cơn đau bụng dữ dội
Người bệnh có thể gặp phải những cơn đau bụng dữ dội

Đau bụng

Đây là một trong những triệu chứng sớm nhất và có ở 70 – 80% người bệnh ung thư đại tràng. Các cơn đau có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong ngày, không cố định ở vị trí nào hay liên quan đến bữa ăn. Hơn nữa, cơn đau có thể dài hoặc ngắn, diễn ra trong vài phút hoặc nhiều giờ đồng hồ. Đồng thời, thông thường cường độ đau lúc đầu sẽ ít và càng về sau càng đau nhiều.

Ngoài ra, nếu có biến chứng bán tắc ruột hoặc tắc ruột thì người bệnh sẽ dễ gặp phải các cơn đau bụng dữ dội. Thỉnh thoảng sẽ bị sôi bụng và nếu trung tiện được thì sẽ hết đau.

Rối loạn tiêu hoá

Khoảng 60% người bệnh ung thư đại tràng sẽ gặp phải tình trạng này. Biểu hiện thông thường người bệnh sẽ gặp phải là táo bón, tiêu chảy xen kẽ với táo bón hoặc tiêu lỏng.

Với triệu chứng táo bón thường sẽ phổ biến hơn ở ung thư trực tràng bên trái. Điều này làm người bệnh khó chịu, chán ăn, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Do táo bón gây ra bởi bệnh ung thư sẽ làm hẹp lòng ruột, cản trở quá trình lưu thông của phân, từ đó gây ra ứ đọng phân. Tình trạng ứ đọng này sẽ làm tăng quá trình thối rữa, lên men, sinh nhiều hơi và dẫn đến chướng bụng. Bên cạnh đó, táo bón cũng có thể làm tăng tiết chất nhầy ở ruột kéo theo tiêu lỏng với biểu hiện cụ thể là phân lẫn nhầy hoặc đôi khi có cả máu.

Phân lẫn máu

Với những người bị ung thư đại tràng ở phía bên phải thường sẽ gặp phải hiện tượng đi tiêu phân lẫn máu nhiều hơn bị bên trái. Cụ thể với xuất huyết của đại tràng phải phân thường có màu đỏ sẫm, còn xuất huyết ở bên trái phân lẫn màu đỏ tươi.

Hiện tượng xuất huyết ở giai đoạn đầu thường không quá nhiều nên không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu cực kỳ nguy hiểm.

Giảm cân

Nếu bạn không ăn kiêng hay tập luyện nhưng cân nặng lại đột ngột giảm nhanh thì nên đi khám ngay. Vì đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư về đại tràng, dạ dày hoặc các cơ quan khác liên quan đến hệ tiêu hóa.

Các khối u

Khoảng 60% bệnh nhân ung thư đại tràng sẽ sờ thấy các khối u. Thông thường lúc này, bệnh đã phát triển đến giai đoạn nặng, việc kiểm soát cũng như điều trị sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Một số triệu chứng khác

  • Sốt: Theo thống kê khoảng 16 – 18%, người bệnh ung thư đại tràng chỉ có một biểu hiện duy nhất là sốt.
  • Thiếu máu: Đặc điểm của bệnh là gây thiếu máu nhưng không có biểu hiện rõ ràng là mất máu nên rất khó phát hiện.
  • Mệt mỏi và suy nhược cơ thể: Bệnh ung thư có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi kể cả khi đang nghỉ ngơi. Đồng thời nếu cơ thể bị suy nhược mà không rõ nguyên nhân thì bạn cũng cần “dè chừng”.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác bệnh ung thư đại tràng, đầu tiên bác sẽ sẽ tiến hành thăm khám và hỏi người bệnh các thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh lý gia đình và người thân,… Dựa vào những điều này, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng như sau:

Làm sao chẩn đoán chính xác bệnh
Làm sao chẩn đoán chính xác bệnh
  • Nội soi đại tràng: Với kỹ thuật này sẽ giúp phát hiện xem bên trong đại tràng có xuất hiện polyp, vùng mô bất thường hay ung thư không. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô để làm sinh thiết.
  • Xét nghiệm máu trong phân: Hiện tượng máu trong phân có thể gặp khi có polyp trong đại tràng, ung thư hoặc những bệnh lý khác. Xét nghiệm này sẽ hỗ trợ kiểm tra chính xác vấn đề bạn đang gặp phải.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp CT cắt lớp vi tính: Nhằm mục đích phát hiện các đặc điểm về hình dạng, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u trong trực tràng. Đồng thời giúp phát hiện mức độ lây lan của ung thư đến các cơ quan khác.
  • Siêu âm ổ bụng: Kỹ thuật này thường không giúp phát hiện được trực tiếp khối u trong đại tràng. Tuy nhiên, siêu âm ổ bụng có thể góp phần cảnh báo các dấu hiệu gián tiếp như tắc ruột, dạ dày dày,…
  • Sinh thiết: Các bác sĩ sẽ lấy các mẫu tế bào bất thường để giải phẫu và quan sát dưới kính hiển vì nhằm phát hiện tế bào ác tính.

Hướng dẫn điều trị hiệu quả ung thư đại tràng

Phát hiện và điều trị ung thư đại tràng càng sớm thì hiệu quả càng cao và tuổi thọ của người bệnh cũng được kéo dài hơn. Tùy vào loại tế bào ung thư và giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cách chữa có thể không đơn thuần là đơn trị mà là kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay.

Chữa ung thư đại tràng theo y học hiện đại

Các phương pháp theo Tây y có thể là dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa như sau:

Phẫu thuật

Phương pháp này giữ vai trò chính trong điều trị triệt để ung thư đại tràng. Phương pháp phẫu thuật được thực hiện nhằm cắt bỏ phần đại tràng bị ung thư cũng như các tuyến bạch huyết. Đồng thời nó cũng được sử dụng cho hầu hết các giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, sau phẫu thuật người bệnh vẫn có tỷ lệ tái phát cao do phương pháp này không thể lấy đi hết các tế bào di căn.  Bởi vậy cần kết hợp cùng các phương pháp khác như hóa trị, xạ trị để tiêu diệt hết tế bào ung thư còn sót.

Can thiệp phẫu thuật có 2 phương pháp là phẫu thuật hở (Mở ổ bụng hoặc vùng xương chậu) và phương pháp nội soi. Thông thường, nội soi sẽ được áp dụng nhiều hơn vì giúp người bệnh tránh được vết sẹo dài sau phẫu thuật. Đồng thời giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng và rút ngắn thời gian phục hồi. Tuy nhiên trong một vài trường hợp cần phải thực hiện phương pháp phẫu thuật truyền thống. Tùy vào vị trí ung thư và tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp nhất.

Phương pháp điều trị ung thư đại tràng nào đang được ưu tiên hiện nay
Phương pháp điều trị ung thư đại tràng nào đang được ưu tiên hiện nay

Xạ trị

Xạ trị là biện pháp sử dụng các chùm tia X-quang để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng. Phương pháp này có thể thực hiện trước hoặc sau khi làm phẫu thuật, bao gồm 2 loại chủ yếu là liệu pháp xạ trị lập thể và xạ trị tia chum ngoài. Cách thức xạ trị cụ thể sẽ được áp dụng tùy thuộc vào giai đoạn ung thư.

Thông thường, đối với các khối u ác tính ở đại tràng, phương pháp này chỉ được sử dụng trong trường hợp ung thư di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như não, xương,…

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để kiểm soát sự phát triển, hoặc tiêu diệt cũng như ngăn chặn sự phân chia của tế bào ung thư. Khi thuốc được uống hoặc tiêm qua đường tĩnh mạch sẽ đi vào máu và hướng thẳng đến các tế bào ung thư trong toàn cơ thể. Loại thuốc hóa trị cụ thể sẽ được sử dụng tùy thuộc vào loại cũng như giai đoạn ung thư.

Phương pháp này thường được kết hợp với các thuốc điều trị trúng đích được chỉ định cho bệnh nhân bị ung thư đại tràng tiến xa, có nguy cơ di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, gan,… Hóa trị thường được sử dụng sau khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại tràng với mục đích ngăn chặn nguy cơ tái phát bệnh. Đồng thời giúp tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân khi bệnh đang có dấu hiệu di căn đến đến hạch bạch huyết lân cận với vùng ung thư.

Một số phương pháp khác

  • Thuyên tắc động mạch: Thực hiện chặn các mạch máu nuôi khối u, đồng thời kết hợp thêm với các biện pháp xạ trị hoặc hóa trị để tiêu diệt khối u.
  • Điều trị bằng thuốc phân tử nhỏ hoặc kháng thể đơn dòng: Theo các chuyên gia phương pháp này sẽ đặc hiệu và ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc hóa trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: Đây là phương pháp giúp làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn chúng lây lan sang các cơ quan khác. Nhờ đó cải thiện hệ thống miễn dịch và giúp tiêu diệt tế bào bào ung thư hiệu quả hơn.

Bài thuốc Đông Y hỗ trợ điều trị các giai đoạn ung thư

Các bài thuốc Đông y được các chuyên gia đánh giá là đem lại hiệu quả tương đối tốt trong hỗ trợ điều trị và cải thiện các triệu chứng bệnh ung thư đại tràng. Tuy nhiên trước khi sử dụng bạn cần xin ý kiến của bác sĩ để đảm bảo phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân.

Thuốc Đông y được dùng trong hỗ trợ điều trị bệnh
Thuốc Đông y được dùng trong hỗ trợ điều trị bệnh

Bài thuốc 1: Sử dụng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn 1

Thành phần: Bạch linh, bạch truật, xích thược, đẳng sâm, quy đầu, bán hạ, hồng đằng mỗi loại 12g; hạnh nhân, nhục đậu khấu, mộc hương hậu phát, xa phân mỗi loại 8g; ý dĩ 20g; bại hương thảo 16g.

Cách sử dụng:

  • Đem rửa sạch rồi cho các vị thuốc vào ấm sắc cùng với nước.
  • Sắc 1 thang dùng uống trong ngày, chia ra 2 lần/ngày.
  • Dùng liên tục trong khoảng 1 – 2 tháng để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bài thuốc số 2: Sử dụng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn 2

Thành phần: Bán hạ, hoàng liên, hồng hoa, đào nhân, chỉ xác mỗi loại 8 – 10g; cam thảo 4g; bán chi liên, bạch hoa xà, tiên hạc thảo mỗi loại 12g; hòe hoa, sing địa mỗi loại 16g; hoạt thạch, ý dĩ mỗi loại 20g.

Cách sử dụng:

  • Đem các vị thuốc trên rửa thật sạch rồi sắc cùng lượng nước vừa phải.
  • Lấy nước thuốc thu được chia ra uống 2 lần trong ngày.
  • Kiên trì khoảng 2 tháng bạn sẽ thấy các triệu chứng bệnh được cải thiện tốt hơn.

Bài thuốc số 3: Sử dụng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn 3

Thành phần: Bạch linh, đan bì, trạch tả, hoàng bá mỗi loại 9g; tri mẫu 10g; sơn thù, hoài sơn mỗi loại 12g; hà thủ ô 16g.

Cách sử dụng:

  • Đong đúng liều lượng như trên rồi đem rửa nhiều lần với nước cho sạch bụi bẩn.
  • Sau đó cho các vị thuốc vào ấm sắc cùng với lượng nước vừa đủ.
  • Đun lửa nhỏ đến khi cạn còn khoảng 2 bát nước thì chia ra uống 2 lần trong ngày.
  • Mỗi ngày sử dụng một thang như trên, kiên trì sử dụng lâu dài để cải thiện các triệu chứng.

Ăn gì và kiêng gì tốt nhất với bệnh?

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất đến sức khỏe cũng như khả năng phục hồi của bệnh nhân ung thư. Theo các chuyên gia, bạn nên tuân thủ theo các nguyên tắc dưới đây:

Những thực phẩm người bệnh nên ưu tiên bổ sung

Người mắc bệnh ung thư đại tràng nên ăn những đồ ăn ít chất béo, dễ tiêu hóa và chưa qua tinh chế. Đồng thời chia nhỏ các bữa ăn, ăn nhiều bữa trong ngày để cơ thể hấp thụ tốt hơn. Cụ thể:

  • Để cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể, bạn nên thường xuyên ăn thịt gà, các thực phẩm chế biến từ trứng, sữa. Đặc biệt mỗi ngày nên bổ sung 1 – 2 cốc sữa để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ năng lượng.
  • Các loại ngũ cốc cũng được ưu tiên khi người bệnh đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị.
  • Bổ sung cho cơ thể nhiều loại rau xanh, nước ép hoa quả giàu vitamin và khoáng chất. Đặc biệt là cà chua, cà rốt, đu đủ,… rất tốt cho người đang bị bệnh ung thư dạ dày.
  • Cung cấp cho cơ thể một lượng đạm vừa đủ để tăng cường hệ miễn dịch, đảm bảo chức năng cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường. Điều này sẽ hỗ trợ cho việc chống lại các tác nhân làm bệnh trầm trọng hơn.
  • Người bệnh nên uống nhiều nước, ít nhất là 8 ly nước mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh và thanh lọc độc tố tốt hơn.

Thực phẩm không tốt với việc điều trị bệnh

Bệnh nhân ung thư đại tràng cần tránh ăn đồ quá mặn, cứng và ăn quá nhanh. Đồng thời hạn chế ăn uống không đúng giờ giấc cũng như cùng một lúc nạp quá nhiều chất vào cơ thể.

Người bệnh ung thư đại tràng cần tuyệt đối tránh xa rượu bia
Người bệnh ung thư đại tràng cần tuyệt đối tránh xa rượu bia
  • Tuyệt đối không uống rượu bia cũng như các thức uống chứa cồn. Điều này có thể làm cơ thể bị mất nước, đồng thời hệ miễn dịch bị suy giảm, từ đó tạo điều kiện cho các tế bào ung thư phát triển.
  • Các loại đồ nướng, đồ cay và chiên nhiều dầu mỡ ảnh hưởng cực kỳ xấu đến đại tràng nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung. Bởi vậy, bạn cũng nên tránh xa nếu không muốn bệnh diễn biến xấu hơn.
  • Đồ ăn nhiều đường như bánh ngọt, bánh quy hay kẹo,… ảnh hưởng không tốt đến các triệu chứng cũng như quá trình điều trị bệnh.

Chuyên gia hướng dẫn phòng ngừa ung thư đại tràng

Mặc dù không có cách nào có thể ngăn chặn hoàn toàn bệnh ung thư nhưng bạn cũng nên thay đổi một số yếu tố dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như kiểm soát bệnh tốt hơn:

Thực hiện sàng lọc ung thư

Thông thường để các tế bào phát triển thành polyp và gây ra bệnh ung thư cần từ 10 – 15 năm. Chính vì vậy, nếu thực hiện kiểm tra thường xuyên, hầu hết các polyp được tìm thấy và cắt bỏ trước khi chúng tiến triển thành ung thư.

Đồng thời việc thực hiện sàng lọc cũng sẽ giúp bạn phát hiện ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm, từ đó việc điều trị cũng dễ dàng hơn. Theo khuyến cáo từ chuyên gia, sau tuổi 45 bạn nên bắt đầu thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng.

Kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống và luyện tập

Để phòng ngừa bệnh ung thư việc kiểm soát một số yếu tố nguy cơ rất quan trọng, cụ thể:

  • Cân nặng: Bạn nên giữ cân nặng ổn định để cơ thể luôn khỏe mạnh. Tránh để tăng cân, đặc biệt là tích tụ mỡ ở vùng bụng sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Hoạt động thể chất: Vận động thường xuyên, đều đặn ở cường độ và khối lượng vừa phải sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Chế độ ăn: Tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh như đã hướng dẫn phía trên. Đồng thời, tránh các thực phẩm không tốt cho bệnh cũng như các loại đồ ăn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Xét nghiệm di truyền nhằm phòng ngừa bệnh

Đối với những người trong gia đình có tiền sử ung thư đại trực tràng hoặc mắc polyp thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nếu ở trong trường hợp này, bạn nên xin tư vấn của bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm phù hợp nhằm xác định chính xác bản thân có bị di truyền bệnh không.

Ung thư đại tràng là một căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng cũng như sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên vẫn có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Bởi vậy bạn hãy chú ý quan sát cơ thể, đồng thời thực hiện một lối sống lành mạnh để bảo vệ chính mình.

Bệnh lý liên quan

Đăng ký tư vấn với chuyên gia