Cỏ tranh

Ngày cập nhật: 09/04/2024 Biên tập viên: Nguyễn Quỳnh
4.4/5 - (14 bình chọn)

Cỏ tranh là cây mọc dại ở nhiều tỉnh thành trên nước ta. Đây còn là dược liệu được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý như giải độc gan, sỏi thận, ho lâu ngày, bí tiểu…. Bài viết dưới đây, chuyên trang cùng bạn đọc tìm hiểu những thông tin về cây cỏ tranh, công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng.

Tìm hiểu cỏ tranh là gì? Những thông tin cơ bản

Là một dược liệu không còn xa lạ trong Đông y, tuy nhiên không phải ai cũng biết cây cỏ tranh như thế nào. Dưới đây là một vài thông tin về thảo dược này:

  • Tên dược liệu: Cỏ tranh
  • Tên gọi khác: Bạch mao (theo tên gọi của Trung Quốc)
  • Tên gọi theo khoa học: Imperata cylindrica (L.)
  • Thuộc họ: Poaceae (Lúa)
Hình ảnh dược liệu cỏ tranh trong tự nhiên
Hình ảnh dược liệu cỏ tranh trong tự nhiên

Đặc điểm thực vật của dược liệu

Cỏ tranh dược liệu mang những đặc điểm nổi bật như sau:

  • Dược liệu là loại cỏ sống lâu năm, có thân và rễ chắc khỏe. Thân cây cao trung bình khoảng 30cm đến 90cm.
  • Lá cỏ tranh dài và hẹp, chiều dài từ 15 đến 30 cm, chiều rộng chỉ khoảng 3 đến 6mm. Lá có gân nổi lên ở giữa, mặt dưới nhẵn, mặt trên nhám và mép lá khá sắc.
  • Hoa dài từ 5cm đến 20cm, hình chùy, màu trắng bạc, có phủ lông nhỏ. Cánh hoa mềm và dài.

Vậy, cỏ tranh mọc ở đâu? Đây là dược liệu mọc dại, chúng xuất hiện ở rất nhiều tỉnh thành trên đất nước ta. Vậy nên, có thể dễ dàng tìm kiếm cây cỏ tranh này.

Thu hái và bào chế thuốc

Thân và rễ của cỏ tranh đều có thể sử dụng để làm thuốc. Theo kinh nghiệm dân gian, cây thường được tháng 10 – 11 hoặc tháng 3 – 4 hàng năm.

Sau khi thu hái, đào lấy thân và rễ, người dùng phải cắt bỏ phần cổ rễ, rửa sạch, bỏ lá và rễ con. Sau khi sơ chế, đem dược liệu sao vàng, sấy hoặc phơi khô. Khi bào chế, thảo dược có mặt ngoài trắng ngà hoặc trắng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc, nhiều đốt trên thân rễ và mỗi đốt cho độ dài trung bình từ 1 đến 3.5 cm.

Thân và rễ của cỏ tranh đều có thể sử dụng để làm thuốc
Thân và rễ của cỏ tranh đều có thể sử dụng để làm thuốc

Cỏ tranh khi được bào chế khô nên được buộc lại thành từng bó và bảo quản tại những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, ẩm ướt để đảm bảo được dược tính của dược liệu. Hầu hết mọi người thường sử dụng cỏ tranh khô, có thể bảo quản được lâu và cũng không bị mất đi dược tính của dược liệu.

Tìm hiểu cỏ tranh có tác dụng gì và cỏ tranh trị bệnh gì?

Tác dụng cỏ tranh đã được ghi chép nhiều trong những tài liệu về y học cổ truyền. Ngoài ra, y học hiện đại cũng đã có những nghiên cứu để chứng minh và kiểm chứng công dụng của thảo dược này. Vậy, cỏ tranh có tác dụng gì và cỏ tranh chữa bệnh gì?

Tác dụng trong Đông y

Theo các sách Đông y ghi chép lại, rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn. Trong khi đó, hoa có vị ngọt và tính ôn. Dược liệu được quy vào kinh Tâm, Vị và Tùy. Với tính vị đó, sử dụng rễ cỏ tranh khô có tác dụng:

  • Điều trị ứ huyết, lợi tiểu tiện, trừ phụ nhiệt, thổ huyết, chảy máu cam, tiểu ra máu, tiểu tiện khó khăn.
  • Có tác dụng chữa niệu huyết, nóng sốt, khát nước.
  • Sử dụng rễ cỏ tranh giúp thông tiểu tiện, tẩy độc và thanh lọc cho cơ thể.

Tác dụng trong y học hiện đại

Theo một vài nghiên cứu của y học hiện đại, dược liệu này chứa nhiều thành phần hóa học có lợi cho cơ thể như: Glucose, Oxalic acid, Potassium Arundoin, Cylindrin, Fructose…

Với các thành phần đó, rễ cỏ tranh có tác dụng gì trong Tây y?

  • Có hiệu quả trong quá trình đông máu: Các chuyên gia đã nghiên cứu rằng, bột cỏ tranh có thể rút ngắn thời gian phục hồi canxi của huyết tương, từ đó thúc đẩy quá trình đông máu.
  • Ức chế vi khuẩn: Sử dụng dược liệu có tác dụng ức chế trực khuẩn Flexner và Sonnei. Tuy nhiên, không có tác dụng đối với trực khuẩn Shigella.
  • Lợi niệu: Hàm lượng kali trong thảo dược giúp kích thích khả năng tiểu tiện. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng mạnh nhất trong 5 đến 10 ngày sử dụng.

Về độc tính, các chuyên gia đã làm thí nghiệm trên thỏ để xác định độc tính bằng cách dùng nước sắc bơm nuôi thỏ liều 25gr/ kg. Sau khoảng 36 tiếng, hoạt động của thỏ sẽ bị ức chế, hô hấp tăng, có dấu hiệu hồi phục nhưng khả năng vận động chậm. Trong trường hợp tiêm tĩnh mạch với liều 10 – 15gr/ kg, thỏ thở gấp và vận động cũng giảm. Trường hợp tiêm tĩnh mạch với liều lượng cao hơn, khoảng 25gr/ kg, thỏ có thể chết sau 6 tiếng sau đó.

Các bài thuốc Đông y từ dược liệu cỏ tranh

Không hề ngẫu nhiên khi nhiều người bệnh áp dụng các bài thuốc từ dược liệu này điều trị bệnh lý. Sử dụng phương pháp y học cổ truyền nói chung và bài thuốc từ cỏ tranh nói riêng là cách tối ưu được thời gian cũng như chi phí điều trị. Tiếp tục theo dõi các thông tin dưới đây để tìm hiểu về một số bài thuốc từ cỏ tranh.

Rễ cỏ tranh chữa bệnh gì – Bài thuốc chữa lợi tiểu

Người bệnh có thể áp dụng hai bài thuốc sau đây:

Bài thuốc 1:

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 30gr cỏ tranh, 25gr xa tiền sử, 40gr râu ngô, 5gr hoa cúc.
  • Cách thực hiện: Sơ chế sạch sẽ tất cả các dược liệu rồi trộn đều với nhau. Mỗi lần dùng lấy khoảng 50gr và sắc cùng 750ml nước. Đun nhỏ lửa trong khoảng 20 phút, khi các dưỡng chất ngấm ra thuốc thì tắt bếp và sử dụng.

Sử dụng thuốc liên tục trong 10 ngày để cải thiện triệu chứng bí tiểu, khó tiểu.

Bài thuốc điều trị lợi tiểu từ dược liệu
Bài thuốc điều trị lợi tiểu từ dược liệu

Bài thuốc 2:

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 50gr rễ cỏ tranh tươi, 10gr rau má, 15gr lá sen cạn, 10gr râu ngô và 8gr rau diếp cá.
  • Cách thực hiện: Sơ chế các loại dược liệu, có thể ngâm với nước muối loãng để loại sạch toàn bộ bụi bẩn. Sắc với khoảng 800ml nước, đun cho tới khi nước chỉ còn khoảng 400ml thì tắt bếp.

Chia thuốc và sử dụng mỗi ngày ba lần, liên tục uống trong 3 đến 5 ngày.

Bài thuốc cỏ tranh chữa bệnh thận

Khi nhắc tới dược liệu này, người ta thường nghĩ tới công dụng mát gan, giải độc cơ thể, từ đó hỗ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh thận.

Bài thuốc 1:

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 200gr rễ cỏ tranh.
  • Cách thực hiện: Sơ chế và làm sạch dược liệu rồi đun với 500ml nước. Đun thật nhỏ lửa, cho tới khi nước chỉ còn 150ml thì tắt bếp.

Chia thuốc thành ba lần uống trong ngày và sử dụng liên tục trong 1 tháng để thấy được hiệu quả mà dược liệu này mang lại.

Bài thuốc 2:

  • Nguyên liệu chuẩn bị: Rễ cỏ tranh, cam thảo, cỏ mần trầu, kinh giới, đậu đen.
  • Cách thực hiện: Sơ chế và đem đun cùng 3 bát nước, đun nhỏ lửa đến khi nước cạn chỉ còn khoảng 1 bát thì tắt bếp.

Sử dụng thuốc sau mỗi bữa ăn và dùng liên tục trong 1 tháng để thấy được hiệu quả.

Rễ cỏ tranh trị bệnh gì – Điều trị đường tiết niệu

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 10gr cỏ tranh khô, 20gr đinh lăng, 20gr rau diếp cá, 20gr kim tiền thảo, 20gr kim ngân, 20gr tang diệp, 16gr hương nhu.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị rồi đun cùng với 900ml nước, đun nhỏ lửa, chờ nước cạn chỉ còn khoảng 450ml thì tắt bếp.

Sử dụng thuốc hàng ngày và kiên trì áp dụng trong thời gian dài để cải thiện tình trạng viêm đường tiết niệu.

Giải độc, làm mát gan

Bài thuốc 1:

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 150gr cỏ tranh tươi, 50gr bạch anh tươi và 150gr thịt lợn nạc thái mỏng.
  • Cách thực hiện: Cạo sạch vỏ cỏ tranh, sơ chế sạch sẽ các nguyên liệu còn lại. Cho nước và đun nhừ các nguyên liệu rồi tắt bếp và sử dụng.

Có thể sử dụng hàng ngày và kiên trì áp dụng trong khoảng 10 đến 15 ngày để thấy được tác dụng.

Bài thuốc 2:

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 200gr dược liệu cỏ tranh.
  • Cách thực hiện: Cạo sạch vỏ và đun cùng 700ml nước. Khi nước sôi, tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 10 phút rồi tắt bếp.

Có thể sử dụng thuốc hàng ngày, thay nước lọc và trà, liệu trình dùng trong khoảng 10 đến 15 ngày.

Chữa bệnh chảy máu cam

Bài thuốc 1:

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 36gr bạch mao cùng 18gr chi tử.
  • Cách thực hiện: Sơ chế và làm sạch các dược liệu rồi sắc cùng 400ml nước. Đun sôi cho tới khi chỉ còn 100ml thì tắt bếp và sử dụng

Sử dụng thuốc khi còn nóng, dùng trước khi đi ngủ và áp dụng trong thời gian 7 đến 10 ngày liên tục.

Bài thuốc 2:

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 80gr bạch mao tươi.
  • Cách thực hiện: Làm sạch và ngâm dược liệu với nước muối loãng 5 – 10 phút và sắc thuốc để sử dụng.

Dùng thuốc sau khi ăn sẽ có hiệu quả tốt hơn và liên tục áp dụng trong 7 đến 10 ngày.

Bài thuốc trị khô miệng, khô họng do dịch vị hao tổn

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 16gr cỏ tranh, 16gr đinh lăng, 10gr cam thảo, 10gr sơn thù, 12gr sa sâm, 16gr hoài sơn, 8gr đan bì, 12gr khởi từ, 10gr trạch tả, 12gr mạch môn, 20gr cát căn.
  • Cách thực hiện: Sơ chế sạch các dược liệu trước khi sắc thuốc. Đun cùng 600ml nước, đun nhỏ lửa và chờ khi nước cạn chỉ còn 300ml thì tắt bếp.

Mỗi ngày chỉ sắc 1 thang thuốc và chia thành 2 lần uống. Khi điều trị, cần phải kiên trì áp dụng theo đúng liệu trình để có được kết quả tốt.

Bài thuốc trị khô miệng, khô họng do dịch vị hao tổn
Bài thuốc trị khô miệng, khô họng do dịch vị hao tổn

Điều trị sốt xuất huyết

  • Nguyên liệu chuẩn bị: 20gr rễ bạch mao, 20gr cỏ mực, 16gr tang diệp, 20gr rau má, 16gr kinh giới, 24gr đỗ đen rang, 12gr cam thảo.
  • Cách thực hiện: Sơ chế các dược liệu, với những nguyên liệu tươi như rau kinh giới và rau má, có thể ngâm với nước muối loãng để làm sạch. Đun cùng 700ml nước, đun kỹ để các dưỡng chất ngấm ra thuốc thì tắt bếp.

Dùng mỗi ngày 2 lần và chỉ sử dụng thuốc trong ngày.

Ngoài những bài thuốc trên, nhiều người bệnh đã dùng rễ cỏ tranh chữa bệnh huyết trắng, xuất huyết đường tiêu hóa, hỗ trợ điều trị hen suyễn… Nhiều người cũng đã dùng cỏ tranh ngâm rượu để hỗ trợ quá trình điều trị một số bệnh lý.

Những lưu ý khi sử dụng bài thuốc từ dược liệu

Dù là dược liệu rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi sử dụng cỏ tranh, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Những bệnh nhân dị ứng với thành phần của thuốc tuyệt đối không được sử dụng dược liệu để điều trị bệnh.
  • Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ nhỏ và người tạng hàn không nên dùng bạch mao.
  • Cơ địa từng người khác nhau nên tác dụng của dược liệu với từng người bệnh cũng khác nhau. Người bệnh phải kiên trì áp dụng mới có thể thấy được hiệu quả điều trị bệnh.
  • Trong thời gian dùng dược liệu, nếu gặp biểu hiện như đau bụng, nôn mửa, hãy dừng thuốc và tới thăm khám tại các cơ sở y tế.

Cỏ tranh được sử dụng chủ yếu trong việc điều trị bệnh lý về thận, mát gan, lợi tiểu… Ngoài ra dược liệu này có tác dụng rất tốt với cơ thể. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người bệnh nên lưu ý về cách dùng để đảm bảo được dược tính của thảo dược khi vào cơ thể.

TTUT, BSCKII Nguyễn Thị Nhuần

Chức vụ: Cố vấn chuyên môn

Học hàm/ học vị: BS.CKII

Nơi công tác: Bệnh viện YHCT Trung Ương

Đăng ký tư vấn với chuyên gia