Cây Hương Nhu

Ngày cập nhật: 09/04/2024 Biên tập viên: Nguyễn Quỳnh
4.8/5 - (13 bình chọn)

Cây hương nhu từ lâu đã được ứng dụng nhiều trong nền y học, đặc biệt là y học cổ truyền với nhiều công dụng nổi bật như trị mụn, kháng khuẩn, chữa đái tháo đường,… Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ đến quý bạn đọc những thông tin chi tiết về loài cây này cùng cách dùng, những lưu ý khi sử dụng.

Cây hương nhu là gì? Những thông tin tổng quan

Hương nhu là loài cây mọc dại xuất hiện nhiều ở nước ta nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận đến chúng. Dưới đây là một số thông tin tổng quan về loài thực vật này như sau:

  • Tên gọi khác: É tía, é rừng, é đỏ, nhu hương nhung, bạch hương nhu, hương thái, mật phong thảo, mậu dược, sơn ông,….
  • Tên khoa học: Ocimum gratissimum Linn
  • Thuộc họ: Hoa môi (Lamiaceae)

Đặc điểm thực vật

Dựa vào những đặc điểm nổi bật dưới đây, không khó để có thể nhận dạng chính xác cây hương nhu:

Cây hương nhu xuất hiện trong tự nhiên
Cây hương nhu xuất hiện trong tự nhiên
  • Là loài cây thân thảo, một cây trưởng thành có thể cao chừng 1 – 2m, sống lâu năm.
  • Thân hình trụ vuông, hóa gỗ ở phần gốc, màu nâu tía, phần thân non ở trên có lông trắng nhỏ bao phủ, đôi khi có màu xanh nhạt.
  • Lá cây mọc đối, cuống lá dài chừng 1 – 2cm. Mỗi phiến lá có hình mũi mác, màu nâu tía, khía răng cưa và có lông ở 2 mặt. Các gân lá hiện rõ, có màu tía đậm.
  • Hoa hương nhu hình xim, mọc thành cụm từ các nách lá dài khoảng 5 – 7cm, không đều nhau và có màu tím đặc trưng, thường nở vào tháng 5 – 6 hàng năm.
  • Quả bế tư, được bao phủ bởi các đài hoa tồn tại, ra vào tháng 6 – 7 hàng năm.
  • Khi vò tất cả các bộ phận của cây đều có mùi thơm đặc trưng.

Cây hương nhu có phải là cây húng quế không? Các loại phổ biến hiện nay

Chắc hẳn không ít bạn đọc thắc mắc liệu cây hương nhu có phải là cây quế không? Theo các tài liệu, cây húng quế không phải là cây hương nhu mà chỉ là một loài tương cận có nhiều đặc điểm bên ngoài khá giống nhau.

Hiện nay, theo ghi nhận của các tài liệu y học, cây hương nhu có hai loại phổ biến là hương nhu trắng và hương nhu tía. Người dùng nên phân biệt rõ hai loài cây này và phân biệt với các loài khác để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.

  • Cây hương nhu trắng: Chỉ có các bộ phận gồm hoa, thân, các gân lá có màu tím tía đặc trưng. Lá hương nhu trắng có màu xanh lục, mặt dưới nhạt hơn mặt trên.
  • Cây hương nhu tím: Cây hương nhu tía không chỉ có các bộ phận trên mà cả hai mặt lá đều có màu nâu tím rất dễ để phân biệt.

Hai loại cây hương nhu này đều có nhiều ứng dụng trong việc điều trị bệnh nhưng tác dụng của hương nhu tía nổi bật hơn hương nhu trắng dược liệu. Vậy cây hương nhu có tác dụng gì với tóc, với sức khỏe, cách dùng ra sao, lá hương nhu khô mua ở đâu? Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá trong các nội dung tiếp theo.

Hình ảnh cây hương nhu trắng được tìm thấy ở nhiều nơi
Hình ảnh cây hương nhu trắng được tìm thấy ở nhiều nơi

Khu vực phân bố chủ yếu

Cây hương nhu là loài mọc hoang, xuất hiện nhiều nhất tại một số nước Đông, Nam Á như Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Lào,…

Tại Việt Nam, loài cây này sinh trưởng tốt nhất với khí hậu mát mẻ, chịu được khô hạn, được tìm thấy nhiều ở Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên,…

Thu hái và bào chế

Hầu hết các bộ phận của cây hương nhu đều được sử dụng làm thuốc gồm lá, thân, cành và hoa bởi chúng đều chứa nhiều dược chất tốt cho sức khỏe.

Nếu lấy phần thân, lá, cành, người dùng có thể thu hoạch quanh năm, tốt nhất vào mùa nắng, khô. Bên cạnh đó, nếu lấy bộ phận hoa thì cần thu hoạch vào tháng 5 – 6 khi hoa bắt đầu phát triển.

Về cách bào chế, cây hương nhu chủ yếu được mang sấy hoặc phơi khô. Ngoài ra có thể đem dược liệu tươi chế xuất thành tinh dầu nhưng cần nhiều thiết bị, quy trình phức tạp nên thường được áp dụng trong các nhà máy sản xuất dược liệu.

Các bước tiến hành phơi hoặc sấy khô dược liệu gồm:

  • Dược liệu tươi mang rửa sạch, loại bỏ bụi bẩn, cắt thành từng khúc chừng 3 – 4cm.
  • Phơi dưới bóng râm đến khi khô hoàn toàn hoặc sấy với nhiệt độ thấp.
  • Bảo quản dược liệu khô trong các lọ, túi bóng kín, để nơi khô ráo, thoáng mát để sử dụng lâu dài.

Sử dụng cây hương nhu có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Vị thuốc hương nhu là một trong những vị thuốc nam được sử dụng phổ biến không chỉ bởi dễ tìm kiếm mà thảo dược này còn có nhiều ứng dụng trong việc điều trị bệnh.

Theo y học cổ truyền

Các tài liệu y học cổ truyền ghi chép rằng hương nhu tía là dược liệu có vị cay, tính ấm nhẹ, ôn thông và quy vào 2 kinh chủ yếu là kinh Phế và Vị. Đồng thời chủ trị nhiều chứng bệnh như:

  • Tán hàn, kiện vị, lợi niệu, phát hãn, lợi thấp.
  • Thanh thử, chữa đau bụng, nôn mửa,…
  • Trị phù thũng, phong thủy, bì thủy.

Theo y học hiện đại

Không chỉ còn là lời đồn đại trong dân gian, tác dụng của cây hương nhu đã được chứng minh bởi các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y học.

Theo đó, thảo dược này có chứa nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe có thể kể đến như: tinh dầu eugenol, methyl eugenol, B – caryophyllene, element, humulen, caryophylen oxy,…

Những hợp chất này đã khẳng định rõ những tác dụng của hương nhu với tóc, đường ruột, hệ hô hấp,… cụ thể gồm:

  • Giảm mệt mỏi, căng thẳng, tâm trạng lo âu, chống trầm cảm.
  • Hạ sốt, chữa cảm mạo, cảm lạnh, đau đầu.
  • Kháng khuẩn, kháng viêm, trị hôi miệng, hiệu quả trong việc chống nhiễm trùng.
  • Chống oxy hóa, bổ sung vitamin K cho cơ thể, giảm cholesterol xấu trong máu.
  • Hỗ trợ điều trị các bệnh về dạ dày, đái tháo đường, các bệnh về đường hô hấp.
  • Mộc hương nhu trị rụng tóc, kích thích mọc tóc, giúp chân tóc chắc khỏe.

Những bài thuốc từ cây hương nhu chữa bệnh hiệu quả nhất

Hương nhu là vị thuốc không có độc tính, sử dụng nhiều cũng không nguy hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nhất, người dùng cần sử dụng theo đúng liều lượng trong từng bài thuốc, cụ thể như sau:

Hương nhu là dược liệu chính trong nhiều bài thuốc trị bệnh
Hương nhu là dược liệu chính trong nhiều bài thuốc trị bệnh

Bài thuốc trị tiêu chảy, đau bụng

  • Chuẩn bị: Rau hương nhu, tía tô mỗi vị 12gr, mộc qua 9gr.
  • Mang các dược liệu sắc cùng với 3 chén nước con đến khi cô cạn còn 1/3 thì chắt lấy nước uống.

Nước thuốc thu được nên uống sau khi ăn sang và có thể chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày, sử dụng đều đặn đến khi khỏi hẳn các triệu chứng.

Bài thuốc lá hương nhu hạ sốt, chữa cảm, đau đầu

  • Dùng 1 nắm lá hương nhu tươi, rửa sạch bụi bẩn, tạp chất.
  • Giã nhuyễn dược liệu rồi chắt lấy nước cốt để uống ngay, pha cùng với một chút nước ấm.
  • Phần bã thu được dùng chườm trán, thái dương để giảm bớt đau đầu, sốt cao. Nếu người bệnh có thể thêm triệu chứng đổ mồ hôi nhiều có thể dùng thêm nước sắn dây.

Bài thuốc chữa cảm lạnh

Nếu có các triệu chứng cảm lạnh, người bệnh có thể dùng các bài thuốc sau đây:

Bài thuốc 1

  • Chuẩn bị: 500gr cây hương nhu tươi, hậu phác, đậu ván trắng mỗi vị 200gr.
  • Hậu phác đem tẩm gừng, nướng khô, đậu ván trắng, hương nhu thì sao vàng.
  • Sau đó tán các dược liệu thành bột mịn, trộn đều với nhau.

Mỗi lần dùng 8 – 10gr bột để pha với nước uống. Người dùng nên kiên trì sử dụng đến khi bệnh tình chấm dứt, mỗi ngày dùng 2 lần vào sau mỗi bữa trưa, tối.

Bài thuốc 2

  • Dùng 100gr hương nhu khô, tán thành bột mịn.
  • Mỗi lần dùng 8gr bột dược liệu pha với nước sôi, ngày uống 2 lần cho đến khi hết cảm.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể kết hợp phương pháp xông hơi để nhanh chóng chấm dứt các triệu chứng với bước làm như sau:

  • Chuẩn bị: Lá hương nhu khô, lá bưởi, sả hoặc ngải cứu, khuynh diệp, lá tre, tía tô, gừng, húng chanh, cành lá thanh táo mỗi vị 15gr.
  • Rửa sạch các dược liệu rồi đun với nước đến khi sôi thì nấu thêm vài phút, đậy kín vung.
  • Đặt nồi nước vào phòng kín gió, người bệnh cần cởi bỏ quần áo, trùm kím chăn ngồi cạnh nồi nước rồi từ từ mở nắp, xông hơi trong vòng 15 – 20 phút. Chú ý không để hơi nóng thổi trực tiếp vào da bởi có thể gây bỏng, nóng rát da.

Bài thuốc trị hôi miệng

  • Lấy 10gr dược liệu sắc cùng 200ml nước đến khi cô cạn còn phân nửa thì tắt bếp.
  • Nước thuốc thu được dùng để ngậm trong miệng vài phút rồi súc miệng.
  • Kiên trì thực hiện đều đặn mỗi ngày 1 lần trong vòng 15 – 20 ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng hôi miệng.

Bài thuốc chữa cảm vào mùa hè

  • Chuẩn bị dược liệu gồm: Hương nhu, cát căn, diếp cá, điền cơ hoàng mỗi loại 12gr, mộc hương 4gr cùng xương bồ 8gr.
  • Sắc các dược liệu trên với nước, chắt lấy phần nước uống trong ngày.

Bài thuốc trị tiêu chảy, đau bụng

  • Chuẩn bị: Cây hương nhu, tía tô, mộc qua mỗi vị 12gr.
  • Sắc dược liệu lấy nước uống cho đến khi các triệu chứng khỏi hẳn.

Bài thuốc chữa nước tiểu đục, phù thũng

  • Chuẩn bị: Cây hương nhu 9gr, cỏ tranh 30gr, ích mẫu thảo 12gr.
  • Sắc các dược liệu trên với 600ml nước đến khi cạn còn 1/3 thì chắt lấy nước thuốc chia thành 2 lần uống/ngày.

Sử dụng liên tục trong khoảng 10 ngày sẽ mang đến những chuyển biến tích cực cho người bệnh.

Bài thuốc chữa trường vị bị viêm cấp tính, kiết lỵ

  • Chuẩn bị: Hương nhu, hồng lạt liệu, thanh hao mỗi vị 12gr.
  • Sắc các dược liệu trên để uống hàng ngày đến khi bệnh chấm dứt.
Bài thuốc từ dược liệu dân gian quen thuộc trị kiết lỵ hiệu quả
Bài thuốc từ dược liệu dân gian quen thuộc trị kiết lỵ hiệu quả

Bài thuốc cây hương nhu gội đầu kích thích mọc tóc

Không chỉ giúp kích thích mọc tóc, sử dụng lá hương nhu gội đầu còn giúp cải thiện tình trạng mọc tóc chậm ở trẻ em, cụ thể như sau:

Bài thuốc mọc tóc cho trẻ nhỏ

  • Lấy 40gr hương nhu sắc với 200ml nước đến khi cô đặc thì tắt bếp.
  • Trộn nước thuốc với mỡ lợn vừa đủ rồi dùng hỗn hợp này xoa lên da đầu của trẻ, mỗi ngày thực hiện từ 1 – 2 lần.

Lưu ý khi sử dụng bài thuốc này cần vệ sinh sạch sẽ da đầu của trẻ trước khi bôi, không nên dùng khi có vết thương hở, lở loét hay chảy máu để tránh viêm nhiễm.

Bài thuốc hương nhu trị rụng tóc

  • Chuẩn bị: Cây hương nhu, lá hoặc vỏ bưởi, bồ kết khô mỗi vị 10gr.
  • Đun các thảo dược trên với 3 lít nước.

Nước thảo dược thu được pha thêm với nước nguội vừa đủ để dùng gội đầu, mỗi tuần thực hiện 2 lần sẽ giúp tóc mềm mượt, giảm gãy rụng và kích thích mọc tóc hiệu quả.

Lá hương nhu có uống được không, nên sử dụng trong bao lâu? Một số lưu ý khi sử dụng 

Để mang đến quá trình điều trị bệnh tốt nhất, người dùng nên tránh những điều sau:

  • Dù khá lành tính nhưng những đối tượng sau không nên sử dụng cây hương nhu bao gồm: người bị ra mồ hôi nhiều, âm hư, khí hư, mắc ho lao, người chuẩn bị phẫu thuật hoặc vừa phẫu thuật xong.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ em cần nên thận trọng sử dụng dược liệu và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Cây hương nhu có thể tương tác làm giảm tác dụng thậm chí tạo ra các phản ứng gây hại cho sức khỏe với một số thuốc như: thuốc chậm làm chậm quá trình đông máu, thuốc Pentobarbital.
  • Không nên sử dụng hương nhu quá 6 tuần, tuyệt đối không lạm dụng dược liệu nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Để đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất cần tham khảo ý kiến các bác sĩ, người có chuyên môn trước khi dùng.
  • Không được sử dụng dược liệu có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc.

Cây hương nhu mua ở đâu an toàn, chất lượng?

Cây hương nhu có sức sống khỏe, rất dễ trồng tại nhà để thu hái. Tuy nhiên, giải pháp này lại thu được số lượng thảo dược ít, không ổn định và lâu dài. Thay vào đó, người dùng có thể mua dược liệu tại các khu chợ, hiệu thuốc đông y, cửa hàng,… bán hương nhu khô với mức giá dao động khoảng 200.000 – 350.000 VNĐ/kg.

Bên cạnh đó, người mua cần chú ý hương nhu mua ở đâu an toàn, chất lượng nhất? Hiện nay, không ít những sản phẩm kém chất lượng, bị nấm mốc, sử dụng các chất bảo quản gây hại,… Và để tránh những vấn đề này, hãy tham khảo Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng dược liệu Vietfarm.

Tại Vietfarm, dược liệu được trồng tại các vườn thảo dược, được chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn GACP – WHO mang đến chất lượng tốt nhất. Quy trình sấy khô sử dụng công nghệ sấy lạnh, không làm mất đi những dược chất tốt cho sức khỏe trong dược liệu. Sau khi sấy khô, thảo dược sẽ được đóng trong các túi 0.5kg theo đúng quy cách, tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản. Không chỉ vậy, giá thành sản phẩm tại Vietfarm cũng vô cùng hợp lý, chỉ 125.000 VNĐ/kg.

Dược liệu Vietfarm là lựa chọn tin cậy của khách hàng
Dược liệu Vietfarm là lựa chọn tin cậy của khách hàng

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về cây hương nhu dược liệu. Hy vọng qua đây bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích, những bài thuốc trị bệnh hiệu quả và địa chỉ lá hương nhu mua ở đâu uy tín nhất, chất lượng nhất.

TTUT, BSCKII Nguyễn Thị Nhuần

Chức vụ: Cố vấn chuyên môn

Học hàm/ học vị: BS.CKII

Nơi công tác: Bệnh viện YHCT Trung Ương

Đăng ký tư vấn với chuyên gia