Cây địa hoàng

Ngày cập nhật: 09/04/2024 Biên tập viên: Nguyễn Quỳnh
5/5 - (1 bình chọn)

Cây địa hoàng (trong Đông y là sinh địa, thục địa) là cây thân thảo di thực từ Trung Quốc vào nước ta từ lâu đời. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, tư âm dưỡng huyết, bổ thận, được dùng chữa sốt xuất huyết, trị máu cam, ho ra máu, băng huyết, động thai, làm đen râu tóc,… Vietfarm sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin tổng hợp đầy đủ nhất về cây thuốc địa hoàng, công dụng, cách dùng và giá bán trong bài viết dưới đây.

Những thông tin về cây địa hoàng

Địa hoàng sinh sống trong thiên nhiên và là một cây thuốc quý nhưng không phải ai cũng biết đến hoặc thường nhầm lẫn với các loại thực vật mọc hoang khác.

  • Tên: Cây địa hoàng
  • Các tên gọi khác: Địa hoàng, Nguyên sinh địa, Sinh địa, Sinh địa hoàng, Thục địa
  • Tên trong tiếng Trung Quốc: Sheng Di Huang
  • Tên trong khoa học: Rehmannia Glutinosa (Gaertn) Libosch.ex Steud
  • Thuộc chi Địa hoàng và họ Cỏ chổi (Orobanchaceae)

Đặc điểm thực vật cây địa hoàng

Cây địa hoàng (sinh địa) là cây thân thảo sống lâu năm và có những đặc điểm thực vật như sau:

Hình ảnh cây địa hoàng với những bông hoa màu tím nhạt đẹp mắt
Hình ảnh cây địa hoàng với những bông hoa màu tím nhạt đẹp mắt
  • Thân thảo, khi trưởng thành cao khoảng 30 – 40cm, được phủ lông tơ mềm dài toàn thân và có màu tro xám trắng.
  • Thuộc loại rễ củ, đâm chồi rễ ở củ hom sau khoảng 10 ngày. Các rễ tơ mọc trên mầm của củ hom, ngắn và nhiều. Rễ nửa chừng dài hơn có khả năng hình thành củ nhưng gặp thời tiết bất lợi nên không hoá củ được. Rễ củ xuất hiện ở mầm, đường kính từ 0.5 – 3cm, thường có sau 45 ngày.
  • Lá đơn mọc vòng tròn ốc ở quanh gốc, xoè rộng ở mặt đất, ít khi mọc trên thân cây, dài khoảng 3 – 15cm, rộng từ 1,5 – 6cm. Phiến lá hình trứng ngược, gốc hơi tròn, thuôn dài và nhọn dần ở đầu, ở mép có răng cưa tròn không đều, được phủ lông. Phiến lá có mạng lưới gân nổi rõ ở phía dưới tạo cảm giác lá bị phồng rộp, chia phiến lá thành nhiều múi nhỏ rất đặc trưng.
  • Hoa nở vào tháng 4 đến tháng 6, mọc thành chùm trên cuống chung dài ở gần đầu cành, màu tím đỏ viền ngoài màu trắng dài khoảng 3cm. Hoa có hình ống, gồm 5 cánh có khía hình môi ở đầu, đài và tràng có hình chuông, mỗi hoa có 3 nhị.
  • Quả nang bế đôi, hình trứng dài khoảng 1.3 – 1.6cm, đường kính 0.6 – 0.9cm, bên trong có chứa nhiều hạt nhỏ, ra quả vào tháng 7, tháng 8 hàng năm.

Nguồn gốc và phân bổ địa lý

Cây địa hoàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, được phát hiện và sử dụng từ bao đời nay. Từ năm 1958, loại cây này được du nhập vào nước ta, nhân giống bằng mầm rễ.

Cây thích hợp sống ở vùng đất phù sa, đất cát pha, nhiệt độ dưới 30 độ C, không quá nắng nóng.

Hiện nay, cây sinh địa được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta, nhiều nhất là ở Thanh Hoá, Bắc Giang, Bắc Kạn,…

Bộ phận thu hoạch và bào chế các vị thuốc trong Đông y

Mỗi năm, vào hai vụ đông xuân (tháng 2 – 3), vụ hạ (tháng 8 – 9), vào những ngày nắng ráo người dân thu hoạch rễ củ của cây địa hoàng, có thể dùng tươi hoặc sấy khô.

Theo kinh nghiệm dân gian, thu hoạch phần rễ củ có tuổi đời trên 6 tháng là tốt nhất. Củ tươi có hình trụ cong queo, dễ gãy, vỏ ngoài màu vàng đỏ và có những vùng bị thắt lại chia củ thành nhiều khoanh.

Người dân đang thu hoạch củ cây thuốc để làm dược liệu
Người dân đang thu hoạch củ cây thuốc để làm dược liệu

Nhiều người thắc mắc rằng, địa hoàng, thục địa và sinh địa là gì, có phải là một hay không? Chính xác thì tên gọi của cây thuốc trong thiên nhiên là địa hoàng, còn sinh địa, thục địa, tiên địa hoàng, can địa hoàng đều là những cách bào chế khác nhau của cây thuốc.

  • Tiên địa hoàng: Là rễ củ địa hoàng dùng tươi. Sau khi đào củ, rửa sạch và thái mỏng dùng ngay.
  • Can địa hoàng: Là tiên địa hoàng sấy nhẹ cho đến khi khô.
  • Sinh địa: Là củ địa hoàng được sấy khô bằng lò sấy, có vỏ màu xám và ruột màu vàng nâu.
  • Thục địa: Là củ địa hoàng đồ tẩm 9 lần hoặc chưng cùng rượu, nước gừng, sa nhân cho đến khi chuyển sang màu đen nhánh.

Tiên địa hoàng và can địa hoàng chế biến khá đơn giản còn sinh địa và thục địa đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn.

Sinh địa: Củ rễ rửa sạch, thái thành miếng nhỏ và phơi hoặc cho vào lò sấy trong 6 – 7 ngày.

Thục địa: Có 2 cách chế biến tương đối cầu kỳ:

  • Cách 1: Dùng củ nhỏ nấu thành nước, sau đó tẩm nước này vào những củ rễ to được chọn lọc, đem đồ xong phơi khô, tiếp tục tẩm nước. Cứ liên tục như vậy cho đủ 9 lần đến khi chuyển sang màu đen nhánh là dùng được. (quy tắc cửu chưng, cửu sái của người Trung Quốc).
  • Cách 2: Nấu củ địa hoàng với nước và rượu trắng 40 độ trên lửa nhỏ, luôn khuấy đều cho ngấm vào củ thuốc đến khi cạn hẳn. Tiếp tục thêm gừng và nước đun lần 2 cho đến khi củ chuyển sang màu đen nhánh.

Do có quy trình chế biến khác nhau nên sinh địa và thục địa có dược tính khác nhau khi dùng trong các bài thuốc.

Cây địa hoàng có tác dụng gì?

Là một cây thuốc quý của Trung Quốc, địa hoàng được nghiên cứu và sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh.

Theo y học hiện đại

Các nghiên cứu khoa học nhận định rằng, trong rễ củ của cây địa hoàng có chứa nhiều hoạt chất gồm Phenethyl Alcohol, Iridoid, Norcarotenoid, Glycoside, Cyclophentanoid, Manit, Ancaloit, 15 loại axit amin, D-glucozamin, cacbonhydrat, campesterol, Caroten,…

Nhờ đó, rễ củ của cây thuốc có tác dụng:

  • Kháng viêm, chống viêm, nhất là nước sắc từ rễ củ.
  • Hạ đường huyết và ổn định đường huyết khi dùng nước sắc củ địa hoàng.
  • Nước sắc địa hoàng địa ức chế hệ miễn dịch cơ thể kiểu corticoid nhưng không ức chế, teo tuyến thượng thận. Còn sinh địa, thục địa làm giảm tác dụng ức chế corticoid lên vỏ tuyến thượng thận.
  • Bổ trợ tim, cường tim, hạ huyết áp, hạ đường huyết, bảo vệ tế bào gan.
  • Cầm máu hiệu quả, lợi tiểu.
  • Chống nấm, chống chất phóng xạ hiệu quả.

Theo Y học cổ truyền

Địa hoàng tươi, sinh địa và thục địa có cách bào chế khác nhau, dưới sự tác động của nhiệt làm dược tính thay đổi. Trong y học cổ truyền chia thành 3 vị thuốc khác nhau và có dược tính khác nhau.

  • Cây địa hoàng tươi

Tính vị: Vị ngọt hơi đắng, tính hàn, quy vào 3 kinh là Can, Thận và Tâm.

Tác dụng: Thanh nhiệt, mát máu, cầm máu, lợi tiểu, bổ âm, dùng để chữa sốt có triệu chứng lưỡi đỏ, tiêu khát, nổi ban, ho khạc có máu, đau họng, trị chảy máu cam, làm thuốc bổ cho người thiếu máu, lợi tiểu, suy nhược cơ thể, sáng mắt, kinh nguyệt không đều, động thai,…

  • Vị thuốc sinh địa

Tính vị: Vị ngọt, tính hàn.

Tác dụng: Tư âm dưỡng huyết, thanh nhiệt, dùng để chữa chứng huyết hư gây nóng, thổ huyết, băng huyết, chảy máu cam, động thai, kinh nguyệt rối loạn, sưng tấy ở yết hầu.

  • Vị thuốc thục địa

Tính vị: Vị ngọt có mùi thơm, tính hơi ôn

Tác dụng: Bổ thận dưỡng âm, nuôi can thận, bổ huyết, chữa thận âm suy gây nóng, tiêu khát, khó thở, đau họng, làm sáng mắt, điều hoà kinh nguyệt, sinh tinh, cường dương, làm đen râu tóc, lợi tiểu, cầm máu.

25+ bài thuốc và món ăn chữa bệnh từ cây địa hoàng hiệu quả nhất

Với những công dụng tuyệt vời của 4 vị thuốc từ cây địa hoàng (địa hoàng tươi hay tiên địa hoàng, can địa hoàng, sinh địa, thục địa), hiện nay rất nhiều người săn tìm cây thuốc này để chữa bệnh.

Để bạn đọc có cách sử dụng đúng và có hiệu quả nhất, dưới đây Vietfarm sẽ hướng dẫn các bài thuốc từ 3 vị thuốc riêng biệt bạn đọc có thể tham khảo.

Các bài thuốc từ vị thuốc tiên địa hoàng

Những bài thuốc này sử dụng địa hoàng tươi thu hái trong thiên nhiên.

Bài thuốc 1 – Trị chảy máu cam 

Người bị chảy máu cam không cầm được, chỉ cần dùng vị thuốc tiên địa hoàng sẽ cầm máu nhanh chóng.

Sắc nước thuốc tiên địa hoàng để trị chảy máu cam không dứt
Sắc nước thuốc tiên địa hoàng để trị chảy máu cam không dứt

Cách cầm máu chỉ đơn giản như sau:

  • Đào 40g rễ củ cây địa hoàng tươi, rửa sạch đất cát, bỏ phần rễ phụ.
  • Thái thành các lát rồi sắc thành nước thuốc.

Mỗi ngày uống hết 1 thang thuốc, người bị chảy máu cam uống vài lần sẽ hết.

Bài thuốc 2 – Chữa ho khan ít đờm, ho khạc ra máu, giãn phế quản

  • Củ địa hoàng tươi, rửa sạch rồi giã nát, chắt lấy 300ml nước ép.
  • Nấu cháo chín nhừ, hoà nước ép vào đun sôi rồi ăn khi bụng đang đói.

Cháo nấu với địa hoàng vừa giúp người bệnh dễ ăn, dễ nuốt vừa có hiệu quả giảm ho lại cầm máu xuất tiết từ họng, phế quản nhanh chóng.

Bài thuốc 3 – Chữa nóng sốt, sốt xuất huyết, sốt phát ban

  • Dùng 24g cây địa hoàng tươi, 12g lá sen, 12g trắc bá diệp tươi, 8g ngải diệp tươi.
  • Các cây thuốc rửa thật sạch, cho vào ấm và sắc thành nước thuốc.

Mỗi ngày uống 2 – 3 lần, kiên trì sử dụng trong vài ngày sẽ hạ sốt, trị sốt xuất huyết, sốt nổi ban rất hiệu quả.

Dùng can địa hoàng chữa bệnh như thế nào?

Bài thuốc 4 – Chữa chứng khí huyết không đều ở phụ nữ

Trong Đông Y, bài thuốc địa hoàng tán sử dụng vị thuốc can địa hoàng, đem tán thành bột có tác dụng điều hoà khí huyết, chữa rối loạn kinh nguyệt, ra khí hư bất thưởng không dứt ở phụ nữ.

Bài thuốc địa hoàng tán thực hiện như sau:

  • Dùng 40g can địa hoàng, 80g ô tặc cốt, đem tán thành bột mịn.
  • Chia bột thuốc thành 7 phần bằng nhau.

Mỗi ngày dùng 1 phần uống cùng rượu trắng, dùng trong 7 ngày liên tục.

Bài thuốc 5 – Phụ nữ bị động thai ra huyết

Động thai chảy máu là hiện tượng rất nguy hiểm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí gây sảy thai. Người xưa có nhiều cách để an thai cho phụ nữ có bầu và dùng can địa hoàng là một trong những cách được nhiều người tin tưởng sử dụng.

Dùng can địa hoàng an thai cho phụ nữ bị động thai xuất huyết
Dùng can địa hoàng an thai cho phụ nữ bị động thai xuất huyết

Cách làm như sau:

  • Chuẩn bị 40g can khương đã bào mỏng, 240g can địa hoàng, tán nhỏ thành bột mịn và trộn đều với nhau.
  • Mỗi ngày uống 1 thìa bột thuốc cùng với rượu, mỗi ngày uống 3 lần.

Trong trường hợp thai phụ có dấu hiệu xuất huyết nhiều, phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

Bài thuốc 6 – Chữa chảy máu cam nhiều liên tục không khỏi

  • Dùng can địa hoàng, bạc hà, long não với tỷ lệ 1:1:1 trộn lẫn với nhau.
  • Mỗi lần lấy 8g thuốc uống cùng mật ong nguyên chất

Trong Đông y đây là bài thuốc Địa hoàng ẩm nổi tiếng, mỗi ngày cho người bệnh uống 3 lần và dùng cho đến khi khỏi hẳn.

Bài thuốc 7 – Bài thuốc bổ huyết sinh tinh hiệu quả cho nam

  • Nấu cháo 100g gạo tẻ cùng với 50g can địa hoàng cho đến khi chín nhừ.
  • Cho thêm một thìa nhỏ dấm và mật ong khuấy đều.

Nam giới mỗi ngày ăn một lần cháo vào bữa chính, sử dụng đều đặn để có hiệu quả.

Cách dùng vị thuốc sinh địa chữa bệnh hiệu quả nhất

Đây là vị thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong các bài thuốc Đông y, dùng trong nhiều bệnh khác nhau.

Bài thuốc 8 – Chữa đái tháo đường

Trong Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc từ sinh địa có tác dụng hạ đường huyết, ổn định đường huyết, đưa chỉ số đường huyết về ngưỡng an toàn.

Bạn có thể chọn một trong các bài thuốc dưới đây:

  • Cách 1: Giã nát 800g sinh địa chắt lấy nước cốt, tẩm vào 600g hoàng liên khô, thêm mật ong rồi vo thành viên hoàn nhỏ bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 viên thuốc nhỏ.
  • Cách 2: Sắc nước thuốc gồm có 40g sinh địa, 40g sơn dược, 20g hoàng kỳ, 12g tụy heo, thu lấy nước thuốc và uống hết trong ngày.
  • Cách 3: Dùng 20g sơn dược, 16g thái tử sâm, 12g thục địa, 8g ngũ vị tử sắc thành nước uống, uống mỗi ngày.

Bài thuốc 9 – Chữa ho khan nhiều ngày, lao phổi

  • Vị thuốc gồm: 2400g sinh địa, 1200g mật ong, 480g bạch phục linh, 240g nhân sâm.
  • Sinh địa giã nát, lọc nước cốt, thêm mật ong vào đun sôi. Bạch phục linh, nhân sâm tán mịn, cho vào hỗn hợp trên và khuấy đều.
  • Cho tất cả vào lọ kín, nấu cách thuỷ đủ 3 ngày 3 đêm, rồi lấy ra để nguội.

Mỗi lần dùng 1 – 2 thìa nhỏ, ngày dùng 2 – 3 lần.

Bài thuốc 10 – Chữa sốt cao, khô đắng miệng, viêm họng 

  • 12g sinh địa, 10g huyền sâm, 10g mạch môn, 8g cam thảo (tất cả đều đã phơi khô).
  • Sắc cùng 200ml nước ở lửa nhỏ, đến khi còn lại ¼.

Uống ngay khi còn nóng, nên uống liên tiếp 3 đến 5 ngày.

Bài thuốc 11 – Dùng cho người bị sốt cao không hạ được, đi kèm co giật 

  • 20g sinh địa, 10g lá hẹ tươi rửa sạch sẽ.
  • Giã nát cho thêm một thìa nước rồi lọc bỏ bã, chắt giữ lại phần nước cốt uống ngày một lần.

Bài thuốc 12 – Sốt cao có triệu chứng lưỡi đỏ thẫm, khát nước, khô miệng

  • Cách 1: Sắc nước thuốc từ 16g sinh địa, 12g huyền sâm, 12g mạch môn và 2 quả trám đập vụn.
  • Cách 2: Sắc thuốc từ các vị thuốc gồm sinh địa, mạch môn, huyền sâm mỗi loại 16g.

Mỗi ngày uống 1 thang thuốc trong nhiều ngày liên tiếp để hạ sốt.

Bài thuốc 13 – Sốt phát ban, sốt xuất huyết do nhiệt đi kèm khô miệng, đau họng, chảy máu chân răng

  • Dùng thang thuốc từ 16 sinh địa, 12g mạch môn, 12g thạch hộc.
  • Sắc nước thuốc và uống đều đặn mỗi ngày.

Trong trường hợp đặc biệt có chảy máu cam hoặc thổ huyết thì dùng kết hợp thêm lô căn, rễ tranh, nếu đái ra máu dùng mộc thông, xa tiền tử, đại tiện ra máu thì dùng địu du, hoa hoè.

Bài thuốc 14 – Chữa ho gà, ho kéo dài, sốt âm ỉ không hạ 

  • Dùng 30g sinh địa và 30g thục địa sắc nước thuốc rồi bỏ bã, chỉ giữ lại nước cốt.
  • Thêm 60ml mật ong vào và khuấy đều, đun tiếp cho đến khi cô đặc lại thành dạng siro.

Mỗi ngày uống 1 – 2 thìa siro nhỏ, 2 lần mỗi ngày.

Bài thuốc 15 – Trị mụn nhọt, mụn độc, ôn độc phát ban

  • Chuẩn bị đầy đủ: 960g mỡ heo, 480g đậu xị và 240g sinh địa, hùng hoàng và xạ hương mỗi vị một liều bằng hạt đậu.
  • Đun mỡ heo, đậu xị, sinh địa cho sôi, đến khi còn khoảng 3 phần thì thêm hùng hoàng và xạ hương vào trộn đều.

Uống mỗi ngày cho đến khi độc xuất ra khỏi da là sẽ khỏi.

Bài thuốc 16 – Chữa chứng phong tạng độc, xuất huyết máu hồng tươi

  • Sinh địa và hoàng bá đã sao vàng, mỗi loại chuẩn bị 1kg tồi đem tán thành bột.
  • Trộn cùng mật ong nguyên chất được hỗn hợp dẻo mịn rồi vo thành viên hoàn kích cỡ bằng hạt ngô đồng.

Mỗi lần lấy 80 viên thuốc uống cùng với nước cơm trước bữa ăn khi bụng còn đói.

Bài thuốc 17 – Dành cho phụ nữ sau sinh

  • 20g hà thủ ô đỏ, 16g sinh địa, 16g ích mẫu, 12g sâm nam
  • Sắc nước thuốc với 500ml nước cho đến khi còn một nửa thì uống ngay khi còn nóng.

Thang thuốc này phù hợp với phụ nữ vừa sinh con, bị mất máu nhiều, cần bồi bổ cơ thể.

Bài thuốc 18 – Điều hoà kinh nguyệt

  • Sắc nước thuốc từ 16g sinh địa, 10g mỗi loại đương quy và bạch thược, 5g xuyên khung.
  • Mỗi ngày uống 1 thang thuốc, dùng trong ít nhất 1 – 2 tháng.

Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, bế kinh hay đau bụng khi đến tháng đều có thể sử dụng được.

Bài thuốc 19 – Thuốc bổ từ rượu ngâm địa hoàng

Một trong những cách sử dụng cây địa hoàng được nam giới ưa chuộng nhất là ngâm rượu thuốc để bồi bổ cơ thể, tăng cường sức lực và chữa bệnh.

Rượu thuốc sinh địa bồi bổ cơ thể và chữa bệnh tật
Rượu thuốc sinh địa bồi bổ cơ thể và chữa bệnh tật

Bạn có thể kết hợp với nhiều loại dược liệu khác nhau như:

  • Các nguyên liệu cần có 20g sinh địa, 20g thiên môn và 10g đẳng sâm, 150g đường trắng.
  • Sinh địa, đẳng sâm thái nhỏ rồi ngâm cùng 100ml rượu trắng 40 độ trong 10 ngày.
  • Thiên môn thái mỏng, đem phơi khô rồi sắc và cô đặc lại thành dạng cao lỏng, thêm đường trắng thu được khoảng 400ml cao lỏng.
  • Chờ cao thiên môn nguội thì hoà với rượu thuốc.

Mỗi ngày lấy 20ml rượu thuốc uống trước khi ăn 30 phút, 2 lần/ngày.

Bài thuốc 20 – Lục vị địa hoàng hoàn 

Thang thuốc này được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền, dùng chữa được rất nhiều bệnh khác nhau như đau nhức đầu, khô cổ họng, có tác dụng với nam giới (chữa đau lưng, mỏi gối, di tinh, mộng tinh), với phụ nữ (điều hoà kinh nguyệt).

  • Các nguyên liệu gồm: 320g sinh địa, 160g mỗi loại hoài sơn, sơn thù du, 120g mỗi loại mẫu đơn bì, trạch tả, bạch phục linh.
  • Sinh địa dùng chày giã nát cho đến mềm nhũn, tất cả vị thuốc còn lại sấy khô rồi tán nhỏ thành bột mịn.
  • Trộn đều các vị thuốc, thêm mật ong cho đến khi được hỗn hợp mềm dẻo thì vo lại viên hoàn bằng hạt ngô.

Mỗi ngày uống 20 – 30 viên thuốc (8 – 12g), chia thành 2 lần uống trước mỗi bữa cơm 15 phút.

Bài thuốc 21 – Đại tiện khó do cơ thể vốn hư (Tăng dịch thang)

  • Sử dụng 40g nguyên sâm, 32g sinh địa, 32g mạch môn lấy cả lõi.
  • Sắc các vị thuốc với 8 bát con nước cho đến khi chỉ còn lại khoảng 3 chén thì dùng được.

Hàng ngày, lúc thấy miệng khô thì uống một chén nước nhỏ, uống liên tục cho đến khi đại tiện được.

Bài thuốc 22 – Trị tiểu ra máu do nhiệt (Sinh địa hoàng tán)

  • Dùng 8g sinh địa, 20g hoàng cầm đã sao vàng, 4g a giao đã sao, 4g trắc bá diệp sao.
  • Sắc thành nước thuốc và uống mỗi ngày 2 lần sau bữa ăn.

Vị thuốc thục địa có tác dụng gì?

Thục địa là cách bào chế phức tạp và tỉ mỉ nhất trong các cách bào chế cây địa hoàng. Đây là một vị thuốc quý dùng để chữa nhiều bệnh khác nhau đem lại hiệu quả rất tích cực.

Bài thuốc 23 – Chữa suy nhược cơ thể, thần kinh, tiêu chảy mãn tính

  • Các vị thuốc gồm có: 16g thục địa, 12g mỗi vị sơn thù, hoài sơn, 8g mỗi loại trạch tả, phục linh, đan bì, phụ tử chế, 4g nhục quế.
  • Dùng 400ml nước sắc thuốc, đun kỹ đến khi chỉ còn 100ml thì chia thành 2 phần và uống trong ngày.

Bài thuốc 24 – Hạ huyết áp, hạ cholesterol

  • Mỗi ngày uống nước sắc 20 – 30g thục địa, chia thành 2 – 3 lần uống.
  • Dùng bài thuốc trên liên tục trong 2 – 3 tuần.

Bài thuốc 25 – Điều hoà kinh nguyệt, chữa huyết hư ở phụ nữ

  • Sắc nước thuốc từ 20g thục địa, 12g đương quy, 12g bạch thược, 6g xuyên khung.
  • Chia nước thuốc thành nhiều phần nhỏ và uống hết trong ngày.

Bài thuốc 26 – Chữa đau lưng, mỏi gối, hư thận, nóng trong xương, đổ mồ hôi trộm

Thục địa là một vị thuốc quý cho nam giới, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến thận hư gây đau lưng, mỏi gối, đau lưng.

Dược liệu có tác dụng chữa thận hư ở nam giới
Dược liệu có tác dụng chữa thận hư ở nam giới

Bạn có thể lựa chọn một trong hai thang thuốc sau đều rất hiệu quả.

  • Bài thuốc hoàn tả quy: Nghiền bột tất cả vị thuốc gồm 20g thục địa, 16g sơn dược, 16g sơn thù, 12g mỗi loại câu kỷ tử, cao ban long, thỏ ty tử, ngưu tất. Trộn thêm mật ong rồi vo thành viên hoàn. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g vào sáng và tối trước khi ngủ.
  • Bài thuốc hoàn đại bổ âm: Các vị thuốc thục địa, quy bản mỗi loại 20g, hoàng bá, tri mẫu mỗi loại 12g nghiền thành bột mịn. Sau đó trộn cùng tuỷ xương sống của lợn và vo viên hoàn. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 12gr khi bụng đói cùng nước gừng tươi pha loãng hoặc nước muối pha loãng.

Các món ăn từ địa hoàng dùng để chữa bệnh

Bên cạnh dùng địa hoàng trong các thang thuốc Đông y thì vị thuốc này cũng có thể dùng làm nguyên liệu các món ăn, vừa bổ dưỡng vừa có hiệu quả chữa bệnh.

Món gà hầm thảo dược giúp điều hoà kinh nguyệt, tốt cho phụ nữ tiền mãn kinh
Món gà hầm thảo dược giúp điều hoà kinh nguyệt, tốt cho phụ nữ tiền mãn kinh

Một số món ăn từ vị thuốc địa hoàng được dùng trong chữa bệnh:

  • Cháo địa hoàng bổ máu huyết, sinh tinh, cải thiện sinh lý:  Nấu cháo từ 100g gạo tẻ, thêm 50g địa hoàng khô, đến khi chín thì cho thêm dấm và mật ong vào khuấy đều, để nguội và ăn.
  • Cháo nấu với nước sinh địa chữa lao phổi, viêm phế quản, ho khan: Dùng 300ml nước ép từ tiên địa hoàng hoà vào cháo. Đun sôi và ăn khi đói.
  • Gà hầm thuốc cho phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, kinh nguyệt rối loạn, nóng trong, bốc hỏa: Hầm 1 con gà mái nhỏ với 20g sinh địa, 20g câu kỷ tử, 20g hoàng tinh, 30g sơn dược cho chín nhừ. Nêm gia vị vừa miệng và ăn hết trong ngày.
  • Thịt lợn nạc hầm thuốc chữa lao hạch, sưng hạch: 100g thịt lợn nạc thái miếng, ninh cùng 30g sinh địa hoàng, 30g hạ khô thảo. Khi chín thêm 1 củ tỏi đập dập, nêm nếm gia vị vừa ăn.

Những lưu ý khi sử dụng cây địa hoàng

Trong quá trình sử dụng địa hoàng để làm thuốc hay chế biến thành các món ăn chữa bệnh, bạn cần lưu ý những điều sau để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

  • Trong thiên nhiên, cây địa hoàng có đặc điểm thực vật tương đối giống với dương địa hoàng tía và dương địa hoàng lông, cần cẩn thận khi thu hoạch.
  • Không dùng địa hoàng kết hợp với vị thuốc lai phục tử, sẽ gây ra phản ứng và tác dụng phụ.
  • Cây địa hoàng không dùng cho người có tỳ hư, người đang có triệu chứng chướng bụng, đi ngoài phân lỏng.
  • Một số cơ địa mẫn cảm hoặc dị ứng với thành phần của cây thuốc có thể gặp tác dụng phụ, khi đó cần ngưng sử dụng ngay lập tức.
  • Tuân thủ nghiêm chỉnh về liều lượng và thành phần bài thuốc, nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi sử dụng. Mỗi ngày chỉ dùng không quá 30g tiên địa hoàng và 15g sinh địa hoàng dạng nước sắc.

Mua cây địa hoàng ở đâu và giá bán bao nhiêu?

Địa hoàng là một loại cây được du nhập từ Trung Quốc về nước ta bằng cách nhân giống mầm rễ. Hiện nay cũng không có nhiều nơi nuôi trồng cây thuốc này.

Do đó, mọi người thường đến cửa hàng thuốc Đông y, các đại lý bán dược liệu để mua địa hoàng, giá thành dao động phụ thuộc vào mỗi cơ sở từ 370.000 – 420.000 VNĐ/kg.

Thế nhưng, với thực trạng dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng tràn lan như hiện nay, đứng trước hàng trăm địa chỉ khiến khách hàng băn khoăn không biết nên mua ở đâu. Đặc biệt, lợi dụng người tiêu dùng không có kiến thức chuyên sâu về dược liệu, nhiều nơi đã làm giả bằng cách sử dụng các cây cỏ khác có đặc điểm tương đồng nhưng không có giá trị dược liệu.

Vậy nên mua dược liệu địa hoàng ở đâu để đảm bảo uy tín và chất lượng nhất? Không phải ngẫu nhiên mà trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng Vietfarm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn đến vậy.

Cây địa hoàng được Vietfarm lấy giống trực tiếp từ Trung Quốc – quê hương của cây thuốc và là giống cây có dược tính cao nhất, đưa về nuôi trồng ngay tại vùng dược liệu sạch đặt tại Bắc Kạn. Đây là vùng đất đáp ứng tốt nhất về yêu cầu thổ nhưỡng, khí hậu của địa hoàng, cũng là một trong những vùng dược liệu sạch tự hào đạt chuẩn GACP – WHO của Vietfarm.

Trải qua quá trình nuôi trồng kỹ lưỡng đạt chuẩn, cây địa hoàng được thu hoạch, chọn lựa những rễ củ to và chất lượng nhất, đem vào bào chế dược liệu.

Với cây địa hoàng, Vietfarm bào chế thành dược liệu dạng sấy khô (sinh địa, thục địa) để tiện lợi hơn trong quá trình bảo quản và sử dụng. Dược liệu được đóng túi 1kg và 0.5kg, được tiệt trùng sạch sẽ, không dùng chất bảo quản đạt chuẩn CO – CQ của Bộ Y Tế đề ra.

Hiện nay, dược liệu địa hoàng tại Vietfarm đang được niêm yết với mức giá thành rất cạnh tranh, 195.000 VNĐ/ 0.5kg. Nếu khách hàng có nhu cầu được tư vấn và mua sử dụng sản phẩm dược liệu địa hoàng, có thể liên hệ với Vietfarm đặt hàng qua website hoặc đến trực tiếp đại lý để mua hàng.

Cây địa hoàng là một vị thuốc quý, có thể thấy vị thuốc này có thể chữa được rất nhiều loại bệnh khác nhau, hiệu quả và an toàn. Trên đây là những thông tin đầy đủ về địa hoàng, vị thuốc sinh địa và thục địa cũng như các bài thuốc dân gian hay nhất mà bạn đọc có thể tham khảo sử dụng.

TTUT, BSCKII Nguyễn Thị Nhuần

Chức vụ: Cố vấn chuyên môn

Học hàm/ học vị: BS.CKII

Nơi công tác: Bệnh viện YHCT Trung Ương

Đăng ký tư vấn với chuyên gia