Cây dây đau xương

Ngày cập nhật: 09/04/2024 Biên tập viên: Nguyễn Quỳnh
Đánh giá

Cây dây đau xương là một loại cây được biết đến là một trong những vị thuốc được sử dụng nhiều trong Đông y để điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp. Vậy loại dược liệu này có đặc điểm, công dụng và cách dùng như thế nào? Hãy cùng theo dõi dưới đây để tìm lời giải đáp thỏa đáng nhất.

Đặc điểm của dây đau xương

Mỗi loài cây khác nhau sẽ có những tên gọi, tên khoa học và phạm vi phân bố nhất định. Do đó, hãy cùng tìm hiểu xem dây đau xương có đặc điểm gì nổi bật dưới đây.

1. Những tên gọi khác

Dây đau xương hay còn gọi là cây đau xương, loài cây này còn có những tên gọi khác như cây tục cốt đằng, cây khoan cân đằng. Với tên khoa học là Tinospora Sinensis Merr, đây là loại cây leo thuộc họ Tiết Dê.

2. Đặc điểm của cây

Đây là loại cây thân leo, cây trưởng thành có thể dài từ 7 đến 8 mét. Một cây có nhiều nhánh dài, nhánh thường phát triển theo hướng rũ xuống. Đầu nhánh thường có lông nhỏ, càng phát triển dài thì lông dần biến mất. Trên thân cây đau xương có những bầu phình ra dọc thân, phần bầu này khá nhẵn, không sần sùi. 

Hình ảnh cây dây đau xương
Hình ảnh cây dây đau xương

Lá màu xanh lục, cuống tròn với chiều dài từ 5cm nối lá với thân cây. Chính phần cuống này đã làm lá hõm vào tạo ra hình trái tim vô cùng đặc biệt. Bạn có thể nhìn thấy 5 gân lá tỏa ra tạo ra hình chân vịt trên mặt, khi sờ vào mặt dưới lá sẽ thấy phần gân nổi rõ. Lá có thể dài từ 10-12 cm và rộng đến 10 cm. 

Vào mùa hoa, ta sẽ nhìn thấy những chùm hoa trắng nhạt nở tạo thành các chùm hoa dài ở các kẽ lá. Hoa của cây có một lớp lông măng trắng nhạt, chùm hoa có thể dài từ 8-10 cm. 

Tháng 3 hàng năm, quả sẽ hình thành, quả có hình bán cầu hõm lại ở dưới. Bên ngoài quả được phủ một lớp dịch nhầy mỏng, khi quả chín sẽ có màu đỏ sậm. 

3. Phân bố 

Loài cây này được tìm thấy tại rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những vùng núi có khí hậu nhiệt đới như các nước Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. 

Tại nước ta, trước đây người ta có thể tìm thấy loài cây này tại vùng núi phía Bắc – tại đây cây thường mọc hoang trong các cánh rừng. Hiện nay với giá trị cao về dược lý, dây đau xương đang trồng tại khắp nơi ở Việt Nam từ đồng bằng đến miền núi. Chúng ta có thể dễ dàng tìm và mua được cây dây đau xương ở mọi vùng miền. 

Dược lý và tác dụng của dây đau xương

Cây đau xương thường được trồng trong vòng 2-3 năm, khi trọng lượng của thân cây được khoảng 20-25kg sẽ được thu hoạch. Khi thu hoạch, người ta sẽ lấy cả phần thân và lá cây để làm thuốc, thân cây sẽ được chặt thành các đoạn dài khoảng 20cm, đem phơi khô. Lá cây có thể dùng tươi hoặc phơi khô tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của từng người. 

Trong Đông Y, cây đau xương có vị đắng, tính mát, quy vào kinh can. Loại dược liệu này có công dụng trừ thấp, khu phong, mạnh gân hoạt cốt. Do đó, thường được sử dụng để trị các bệnh lý như bệnh phong tê thấp tê bại, đau nhức xương khớp hay đau mỏi người. 

Cây dây đau xương có tác dụng chữa xương khớp rất hiệu quả
Cây dây đau xương có tác dụng chữa xương khớp rất hiệu quả

Trong y học hiện đại, các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng dây đau xương có chứa nhiều hoạt chất tốt có lợi cho sức khỏe. Cụ thể, trong cây có chứa nhiều hoạt chất ankaloid, tinosinesid A và tinosinesid B. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng các hoạt chất này có tác dụng ức chế hoạt tính làm co thắt cơ trơn của histamin và acetylcholin rất tốt. 

Alkaloid là chất có tác dụng chống viêm, giảm đau, giảm các cơn đau nhức xương khớp rất hiệu quả. Vì vậy cây đau xương có công dụng trong việc điều trị các bệnh lý như:

  • Đau mỏi các cơ gân tại các ổ xương khớp trên cơ thể.
  • Đau mỏi vai gáy do vận động liên tục, vận động mạnh.
  • Chống thoái hóa xương khớp trên cơ thể.
  • Điều trị các bệnh như tràn dịch khớp gối, tê bì chân tay.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh gout, dược tính của cây giúp người bị gout giảm các cơn đau, giảm tình trạng co cứng các khớp tay, chân do bệnh gout rất hiệu quả. 

Cách dùng cây dây đau xương hiệu quả

Trong dân gian, có rất nhiều bài thuốc sử dụng dược liệu này để cải thiện sức khỏe hoặc điều trị bệnh lý cho con người. Các bạn có thể tham khảo một số cách dùng phổ biến của loài cây này dưới đây.

Bài thuốc chữa đau dây thần kinh hông

Nguyên liệu: Hãy chuẩn bị dây đau xương 15 gram, lấu bò 15 gram, kê huyết đằng 15 gram, ngũ vị 15 gram, kim ngân 15 gram.

Cách làm: Cho các nguyên liệu đã được chuẩn bị vào ấm sắc thuốc, thêm 750 ml nước. Sắc đến khi nước trong ấm còn 500 ml thì tắt bếp. Lấy thuốc đã sắc để uống hàng ngày.

Bài thuốc này nên uống liên tục trong vòng 15 ngày, các triệu chứng của bệnh đau dây thần kinh sẽ được cải thiện.

Kết hợp với một số dược liệu khác để chữa đau thần kinh
Kết hợp với một số dược liệu khác để chữa đau thần kinh

Bài thuốc chữa phong thấp gân xương

Các nguyên liệu cho bài thuốc này gồm: dây đau xương, đơn gối hạc, bưởi bung, cỏ xước, rễ gấc. Mỗi vị thuốc, bạn cần chuẩn bị 30 gram. 

Cách làm: 

  • Đem tất cả các nguyên liệu đã được chuẩn bị vào ấm sắc thuốc, thêm khoảng 1.5 lít nước. 
  • Sắc đến khi nước sôi khoảng 15 phút thì tắt bếp. 
  • Sử dụng thuốc đã sắc uống hàng ngày, để có hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất cần uống trong vòng 1 đến 2 tháng. 
  • Khi sử dụng liên tục, các triệu chứng của bệnh phong thấp gân xương sẽ giảm bớt, các cơn đau sẽ giảm dần. 

Bài thuốc chữa đau lưng, mỏi gối do thận hư

Nguyên liệu: 

  • Dây đau xương 12 gram
  • Cầu tích 20 gram
  • Rễ gối hạc 12 gram
  • Củ hoài sơn 20 gram
  • Rễ cỏ xước 12 gram
  • Bổ cốt toái 16 gram
  • Thỏ ty tử 12 gram
  • Tỳ giải 16  gram
  • Đỗ trọng 16 gram. 

Cách làm: 

Với các nguyên liệu này, mọi người cần thực hiện làm sạch trước khi chế thành thuốc. Có 2 cách sử dụng bài thuốc này như sau:

Cách 1: Sắc lấy nước uống

  • Đem các vị thuốc cho vào ấm, thêm 1.5 lít nước vào. Tiến hành đun sôi cho đến khi còn 1 lít nước thì tắt bếp. 
  • Dùng nước thuốc đã sắc uống hàng ngày thay nước lọc.
  • Bạn cần áp dụng cách này đều đặn 15 – 20 ngày để mang đến hiệu quả tốt nhất.

Cách 2: Đem các vị thuốc ngâm rượu 

  • Cho các vị thuốc vào bình ngâm rượu, sau đó đổ thêm rượu trắng lên trên, sao cho lượng rượu ngập thuốc từ 1 – 2 cm.
  • Đậy nắp kín và bảo quản ở nơi thông thoáng, nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng mặt trời. 
  • Thời gian ngâm rượu khoảng 1 tháng là có thể đem ra sử dụng. Mỗi ngày uống 10 – 15ml. Điều trị trong vòng 1 tháng.

Lưu ý: Hai cách làm này đều rất hiệu quả trong việc chữa bệnh đau lưng mỏi gối ở người mắc hội chứng thận hư. 

Bài thuốc chữa sưng chân do ngã hoặc sưng gối do phong thấp

Nguyên liệu: Lá dây đau xương tươi

Cách làm: 

  • Lấy phần lá cây tươi đã được rửa sạch đem giã nát rồi lọc lấy nước cốt. 
  • Hòa nước cốt với rượu theo tỷ lệ 3:1 để uống. 
  • Phần bã của lá thì đem chưng nóng, sau đó đắp vào vùng chân đau. Không đắp phần bã này vào vết thương hở, vết thương đang chảy máu. 

Áp dụng bài thuốc này khoảng 2-3 tuần, các triệu chứng đau mỏi chân sẽ giảm đáng kể. 

Phần bả dây đau xương dùng để ngâm chân
Phần bả dây đau xương dùng để ngâm chân

Lưu ý khi sử dụng cây dây đau xương 

Dây đau xương cần tuân thủ những lưu ý sau đây khi sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất:

  • Trước khi sử dụng các bài thuốc có chứa loại dược liệu này, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
  • Phụ nữ có thai, người đang cho con bú, trẻ em chỉ nên sử dụng những bài thuốc từ cây đau xương ở dạng uống khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Cây đau xương rất dễ ẩm mốc, khi thấy các nguyên liệu ẩm mốc tuyệt đối không nên sử dụng. 

Trên đây là những đặc điểm, công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng dây đau xương. Hy vọng với những thông tin này, các bạn sẽ hiểu hơn về loại dược liệu này để sử dụng đúng cách nhằm mang đến hiệu quả cao nhất và đảm bảo an toàn.

 

TTUT, BSCKII Nguyễn Thị Nhuần

Chức vụ: Cố vấn chuyên môn

Học hàm/ học vị: BS.CKII

Nơi công tác: Bệnh viện YHCT Trung Ương

Đăng ký tư vấn với chuyên gia