Rau Húng Quế: Tìm Hiểu Công Dụng Và Bài Thuốc Chữa Bệnh

Rau húng quế chắc chắn không phải loại rau xa lạ với người Việt, nó còn được gọi với tên phổ biến khác là húng chó. Hơn nữa, đây cũng là dược liệu có tác dụng đa dạng nhờ hàm lượng tinh dầu cao. Cụ thể hơn về công dụng và cách sử dụng loại rau này chữa bệnh mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.

Giới thiệu về cây húng quế

Rau húng quế có tên khoa học là ocimum basilicum, ngoài ra còn được gọi với nhiều tên khác là húng giổi, húng chó, é tía, rau quế, hay hương thái,… Giống cây này thuộc họ hoa môi (lamiaceae).

Một số nghiên cứu cho rằng, loại rau này có nguồn gốc ở Châu Á, cụ thể là Ấn Độ và Trung Quốc. Đến ngày nay, rau quế đã phân tán rộng khắp các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước thuộc vùng nhiệt đới. Nó được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như chưng cất tinh dầu, nguyên liệu nấu ăn, trị bệnh,…

Rau húng quế có tên khoa học là ocimum basilicum, ngoài ra còn được gọi với nhiều tên khác
Rau húng quế có tên khoa học là ocimum basilicum, ngoài ra còn được gọi với nhiều tên khác

Tại Việt Nam hiện tại đã xuất hiện đầy đủ 5 loài và đều được trồng để lấy tinh dầu hoặc làm gia vị. Cây xuất hiện rộng rãi ở nhiều khu vực của nước ta, từ làng quê, đồng ruộng, thành phố, vùng ven biển,…

Một số đặc tính sinh trưởng

Dưới đây là một số đặc tính sinh trưởng của cây rau quế:

  • Đây là loài cây ưa ánh sáng, chịu được ẩm và có thể sinh trưởng mạnh mẽ trong mùa mưa với độ ẩm cao.
  • Loại đất phù hợp nhất để trồng cây là đất thịt và đất phù sa, do chúng chứa giá trị dinh dưỡng cao.
  • Cây ra hoa nhiều và được gieo trồng bằng hạt vào khoảng tháng 2 – 3. Tuy nhiên để có thể thu hoạch nhanh hơn, không tốn thời gian, người dân thường trồng bằng cách chiết cành. Do thực vật này có khả năng hồi phục nhanh sau khi bị cắt ngọn.
  • Mua hoa cây húng quế thường vào tháng 7 – 9, sau đó trong khoảng tháng 10 đến cuối năm là mùa quả chín. Song với kỹ thuật canh tác hiện đại như ngày này, bạn có thể yên tâm trồng và thu hoạch cây quanh năm.

Mô tả cây húng quế

Đây là loài cây thân thảo, mọc thành bụi nhỏ với chiều cao trung bình khoảng 0.5 – 1.2m, toàn cây có mùi thơm đặc trưng. Thân thường có mấu, phình to ở đoạn già. Thân non thường có màu xanh hoặc tía, ít lông tơ, tiết diện vuông và hơi lõm ở 4 cạnh. Khi già, thân chuyển màu xám lâu, tiết diện có 4 góc lồi tròn hoặc hơi tròn, nhẵn.

Lá đơn và mọc đối chéo theo hình chữ thập. Phiến lá có dạng hình trứng, nhọn ở đầu với kích thước 3 – 8 x 2 – 5cm, màu xanh lục với mặt trên đậm hơn mặt dưới. Gân lá có hình lông chim, nổi rõ ở mặt giữa. Cuống lá dạng màu xanh nhạt, hình trụ dài 2 – 5cm và có ít lông ngắn.

Đây là loài cây thân thảo, mọc thành bụi nhỏ với chiều cao trung bình khoảng 0.5 - 1.2m
Đây là loài cây thân thảo, mọc thành bụi nhỏ với chiều cao trung bình khoảng 0.5 – 1.2m

Hoa mọc thành cụm, dạng chùm ở ngọn cành. Hoa nhỏ và không đều nhau. Cuống hoa màu xanh hoặc tía, lá đài có màu tím sẫm hay xanh. Cánh hoa 5 cánh và có màu trắng hồng.

Quả có dạng trứng, màu đen với kích thước khoảng 1.2mm chiều dài. Trung bình mỗi quả chứa 1 hạt, điểm đặc trưng là khi thả vào nước hạt sẽ được bao quanh bởi một lớp chất nhầy màu trắng.

Giải đáp rau húng quế có tác dụng gì?

Tác dụng của cây húng quế theo y học cổ truyền và y học hiện đại cụ thể như sau:

Theo y học cổ truyền

Rau húng có vị cay, nóng, mùi thơm dịu và được quy vào Tâm, Phế. Nhờ đó mang đến các công dụng tuyệt vời là:

  • Hỗ trợ làm ra mồ hôi, giải cảm, giảm đau, tán máu ứ, chữa cảm cúm, lợi tiểu, thông đường hô hấp, hay đầy bụng khó tiêu,…
  • Hạt cây húng quế có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu.
  • Hoa có khả năng bổ thần kinh.

Chính vì vậy, dược liệu thường đường dùng để điều trị tình trạng cảm cúm, sổ mũi, đau đầu, viêm họng, đau nhức răng, khàn tiếng, rối loạn tiêu hóa, dị ứng mẩn ngứa, hay tình trạng lo lắng, bồn chồn,…

Theo y học hiện đại

Theo nghiên cứu khoa học, thành phần hóa học của húng quế rất đa dạng. Cụ thể tinh dầu với hàm lượng cao nhất vào lúc cây đã ra hoa (0.4 – 0.8%), thường có màu vàng nhạt, mùi thơm dễ chịu, khá giống với mùi của chanh và sả. Trong tinh dầu, chứa estragol methyl – chavicol (25-60-70%), linalol (60%), cineol, cùng nhiều chất khác. Tuy nhiên, tùy vào khu vực trồng và khí hậu khác nhau mà hàm lượng tinh dầu cũng có sự thay đổi. Ví dụ như tại Việt Nam, methyl chavicol khoảng 80 – 90%, còn ở Châu Âu là 30 – 57%.

Cụ thể các công dụng của rau quế theo nghiên cứu của y học hiện đại là:

  • Giúp chống ho, làm long đờm và giúp điều chỉnh khả năng miễn dịch tốt hơn. Đồng thời hỗ trợ cải thiện nhanh chóng các triệu chứng đường hô hấp như ho, cảm lạnh, viêm phế quản,…
  • Các hợp chất eugenol, camphene và cineole dồi dào trong tinh dầu có thể hỗ trợ làm giảm tình trạng sung huyết. Đồng thời hỗ trợ chống nấm, kháng khuẩn để ức chế hiện tượng nhiễm khuẩn liên quan đến những rắc rối ở đường hô hấp.
  • Dược liệu còn giúp lợi tiểu, giảm lượng acid uric trong máu và khử độc cho thận tốt hơn.
  • Bên cạnh đó, một nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ còn ghi nhận rằng húng quế giúp duy trì chức năng bình thường của cortisol – loại hormone gây stress trong cơ thể. Đồng thời rau húng còn giúp làm dịu thần kinh và điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu, để từ đó đánh bại các gốc tự do.
  • Hàm lượng chất oxy hóa dồi dào trong dược liệu có thể hỗ trợ ngăn cản quá trình phát triển bệnh ung thư vú và ung thư miệng.

Một số bài thuốc chữa bệnh với rau quế

Rau húng quế được sử dụng khá phổ biến trong các bài thuốc dân gian chữa bệnh, trong đó phải kể đến là:

Cách chữa đau răng

  • Bạn chuẩn bị 15g cả cành và lá húng quế tươi.
  • Cho nguyên liệu vào ấm sắc cùng với nước, rồi dùng để súc miệng hàng ngày.

Mẹo chữa bồn chồn, lo âu và đau đầu

  • Người bệnh chuẩn bị 20 – 40g lá và hoa húng quế khô.
  • Sau đó cho các vị thuốc vào ấm giữ nhiệt hãm như hãm nước chè.
  • Mỗi ngày uống 2 – 3 chén để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài thuốc trị dị ứng mẩn ngứa

  • Cách số 1: Bạn chuẩn bị 3 – 6g hạt và 20 – 30g lá húng quế. Đem phần hạt đi ngâm với nước cho nổi nhầy, sau đó đem giã chúng với lá. Tiếp theo lọc lấy phần nước và thêm vào chút đường để uống. Người bệnh có thể tận dụng phần bã để bôi trực tiếp lên phần da bị ngứa.
  • Cách số 2: Bạn cần chuẩn bị khoảng 2g lá húng quế khô và 1 nắm lớn lá khế. Lá húng quế đem sắc lấy nước uống trong ngày, còn lá khế đun để tắm.
Bài thuốc chữa bệnh từ rau húng quế
Bài thuốc chữa bệnh từ rau húng quế

Tăng tiết sữa cho phụ nữ bị mất sữa sau sinh

  • Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu là 10g lá húng quế.
  • Đem nguyên liệu đi rửa sạch rồi sắc cùng 1 lít nước trong khoảng 10 – 15 phút.
  • Chia nhỏ lượng nước này ra, dùng để uống trong ngày. Mỗi ngày thực hiện 1 lần để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Chữa rối loạn tiêu hóa

  • Người bệnh cần chuẩn bị khoảng 15g lá húng quế.
  • Đem nguyên liệu đi rửa cùng nước cho sạch, sau đó cho vào ấm thêm nước để đun.
  • Lưu ý để lửa nhỏ đến khi thấy cạn còn 200ml thì tắt bếp.
  • Bạn nên chia nhỏ lượng nước này làm 2 phần bằng nhau, uống sáng chiều để nhanh đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trị ho cho trẻ sơ sinh

  • Bạn cần chuẩn bị một bó húng quế (chỉ lấy phần lá non và hoa), cùng 2 quả khế chua và 50g đường phèn.
  • Đầu tiên, bạn mang khế chua đi vắt lấy nước, còn húng quế cũng rửa sạch, rồi vắt lấy nước cốt.
  • Trộn đều 2 loại nước cốt này với nhau, sau đó thêm đường phèn và hấp cách thủy trong khoảng 1 giờ.
  • Sau khi nước cô lại, bạn lọc lấy rồi bảo quản trong bình thủy tinh để dùng dần.
  • Mỗi lần sử dụng bạn dùng thìa nhỏ chấm 1 ít nước thuốc lên miệng để trẻ tự mút.
  • Với bài thuốc này, một ngày bạn thực hiện đều đặn 3 lần để nhanh cải thiện các triệu chứng khó chịu cho con.

Trị ho có đờm ở trẻ nhỏ

  • Bạn chuẩn bị 15 lá húng quế, 1 ít đường phèn và 4 quả quất xanh.
  • Mang lá húng quế và quất đi sơ chế sạch sẽ, ngâm nước muối trong khoảng 15 phút.
  • Để ráo nước, sau đó mang nguyên liệu đi xay nhuyễn, rồi thêm đường phèn vào trộn đều.
  • Mang đi hấp cách thủy trong khoảng 20 phút là có thể lấy ra sử dụng.
  • Mỗi ngày cho trẻ uống đều đặn 1 – 2 lần để nhanh đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mẹo trị ho do dị ứng ở trẻ nhỏ

  • Bạn cần chuẩn bị 1 nắm húng quế, 3 thìa cà phê mật ong, 1 thìa gừng.
  • Đem húng quế đi xay nhuyễn rồi cho gừng đập nhỏ vào cùng với 1 thìa nước lọc và lượng mật ong vừa đủ, trộn đều.
  • Lọc lấy phần nước cốt, bỏ bã cho trẻ uống ngày 3 lần để nhanh chóng cải thiện các triệu chứng.

Bài thuốc chữa ho nhiệt, khản tiếng ở trẻ em

  • Bạn cần chuẩn bị khoảng 20g lá húng quế tươi và 20g đường phèn.
  • Đem lá húng quế đi rửa nước sạch và ngâm thêm nước muối pha loãng khoảng 15 phút.
  • Để cho ráo nước rồi hãm cùng 10ml nước sôi, sau đó thêm đường phèn vào.
  • Gạn lấy phần nước này cho trẻ uống, mỗi ngày đều đặn 2 lần để nhanh chóng đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chữa ho khan và ho có đờm cho người lớn

  • Bạn cần chuẩn bị khoảng 4 lá húng quế, 1 củ hành được thái nhỏ, 4 quả hồ tiêu và 2 nhánh đinh hương.
  • Các vị thuốc đem rửa nhiều lần với nước cho thật sạch, để ráo rồi cho 200ml nước vào đun.
  • Để lửa nhỏ, đến khi cạn còn 100ml thì tắt bếp.
  • Chia nhỏ lượng nước này làm 3, sử dụng hết ngay trong ngày.

Trị rắn cắn và sâu bọ đốt

  • Bạn giã một nắm lá húng quế tươi, sau đó đắp trực tiếp lên vết thương.
  • Bên cạnh đó, bạn cũng có thể kết hợp thêm đun nước lá để rửa vết thương hàng ngày.

Bài thuốc sổ mũi, ỉa chảy và khó tiêu

  • Bạn chuẩn bị 15g cây húng quế (cắt cả cành).
  • Đem đi rửa sạch đất cát, bụi bẩn rồi sắc lấy nước uống. Đồng thời, bạn nên ăn thêm rau húng quế trong bữa ăn hàng ngày để tăng hiệu quả.
  • Ngoài ra, trong trường hợp bị sổ mũi, bạn có thể kết hợp vò nát lá húng quế, sau đó đưa trực tiếp lên mũi ngửi. Từ đây, tinh dầu lá húng quế sẽ đi trực tiếp vào mũi để làm sạch đường hô hấp.

Giúp cai thuốc lá cho người nghiện thuốc

  • Bạn mang theo bên người một túi lá húng quế được rửa và ngâm nước muối sạch sẽ.
  • Khi thấy thèm thuốc lá, có thể lấy lá ra nhai. Nhờ đó sẽ làm mát cổ họng giống như bạc hà và kiểm soát cơn thèm thuốc tốt hơn.

Mẹo ngừa sâu răng

Bạn nhai lá húng quế mỗi ngày, các dược chất trong thảo dược sẽ tiết ra giúp ngừa sâu răng
Bạn nhai lá húng quế mỗi ngày, các dược chất trong thảo dược sẽ tiết ra giúp ngừa sâu răng
  • Bạn nhai lá húng quế mỗi ngày, các dược chất trong thảo dược sẽ tiết ra giúp ngừa sâu răng cực kỳ hiệu quả.
  • Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đun nước rau quế và dùng làm nước súc miệng, không chỉ ngừa sâu răng còn mang đến hơi thở thơm mát hơn.

Trị nhiễm trùng tai

  • Người bệnh chuẩn bị các nguyên liệu là tinh dầu húng quế, tinh dầu trầm hương, tinh dầu dừa.
  • Trộn chúng lại với nhau sau đó bôi trực tiếp lên phía sau tai và ở gan bàn chân.
  • Kiên trì áp dụng sẽ giúp giảm đau và cải thiện sưng tấy rất tốt.

Tốt cho hệ xương khớp

  • Do có tính chất kháng viêm nên loại rau này rất tốt cho người mắc bệnh liên quan đến xương khớp.
  • Các bạn chỉ cần bổ sung húng quế vào trong bữa ăn hàng ngày là có thể giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi gốc tự do, từ đó phòng tránh tốt hơn các bệnh lý xương khớp.

Chăm sóc tóc, da

  • Các chị em dùng lá húng quế tươi ăn sống hàng ngày sẽ giúp thanh lọc máu và mang lại một làn da khỏe mạnh hơn.
  • Ngoài ra, bạn dùng lá húng quế giã lấy nước cốt uống có thể giúp làm dịu da đầu và ngăn ngừa rụng tóc.

Xem thêm

Lưu ý khi sử dụng cây rau húng quế

Bên cạnh những tác dụng chữa bệnh tuyệt vời từ loại rau này như đã nói phía trên, rau húng quế có thể gây ra một số tác dụng phụ không tốt nếu không biết sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Theo đó, trong quá trình dùng, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề quan trọng phía dưới đây.

  • Những người quá mẫn cảm hay bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu cần thận trọng khi sử dụng.
  • Trong quá trình sử dụng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng không mong muốn như thở gấp, ho, nước tiểu lẫn máu,… bạn cần ngừng lại ngay. Đồng thời liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ xử lý.
  • Vị thuốc này có khả năng làm giảm lượng đường trong máu. Chính vì vậy, những người có tiền sử hạ đường huyết cần thật cẩn thận.
  • Dược liệu này có thể dẫn đến những cơn co thắt tử cung ở phụ nữ, do đó có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt và dễ gây ra biến chứng khi mang thai.
  • Rau húng quế có thể làm chậm quá trình hấp thu thuốc do chứa một hàm lượng chất xơ lớn, đặc biệt là trong hạt của cây. Chính vì vậy, nếu cần sử dụng thuốc, bạn hãy uống sau khi dùng dược liệu khoảng 1 giờ.

Rau húng quế từ lâu đã là gia vị quen thuộc trong các món ăn và được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc dân gian chữa bệnh. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và tận dụng hết giá trị của vị thuốc cho sức khỏe, trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn. Ngoài ra nếu cần hỗ trợ bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến các loại dược liệu và sức khỏe, hãy để lại lời nhắn phía dưới đây cho chúng tôi.

4.5/5 - (4 bình chọn)

Cập nhật lúc 2:13 AM , 02/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đối tác

logo thuốc dân tộc
trung tâm da liễu đông y việt nam logo
logo thuốc dân tộc
Ông Phạm Minh Đức - 0914530xxx
Thanh Trì, Hà Nội
Đặt mua 1 hộp Đông trùng hạ thảo cách đây 10 phút